Kế hoạch 'Made in China 2025' của Trung Quốc có đáng lo

Thu Thảo
Thu Thảo
19/12/2018 18:16 GMT+7

Bài viết là nhận định của nhà báo Anjani Trivedi, chuyên đưa tin về các hãng công nghiệp châu Á thuộc Bloomberg. Bà Trivedi bàn về việc kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc có thực sự đáng lo hay không.

Tham vọng công nghệ của Trung Quốc khiến Mỹ lo. Song kế hoạch thống trị công nghệ toàn cầu của Trung Quốc đến nay cho ra được gì?
Bắc Kinh xem xét trì hoãn nhiều mục tiêu trong chương trình “Made in China 2025”, theo Bloomberg đưa tin hồi tuần trước. Kế hoạch vốn tìm cách thúc đẩy sản xuất tiên tiến nội địa ở nhiều công nghệ quan trọng, là chủ đề cốt lõi trong tranh chấp thương mại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bắc Kinh. Nhiều tờ báo cho hay Trung Quốc còn có thể thay hoàn toàn chương trình này, và mở cửa thêm thị trường nội địa cho giới doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên cùng ngày, Bắc Kinh công bố quyết định thúc đẩy “nông nghiệp cơ giới hóa”, nâng cấp máy móc nông nghiệp. Nông dân sẽ được trợ cấp, bất kể mua hàng từ thương hiệu ngoại hay nội. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc sẽ ra nhiều chính sách để nâng cấp sản xuất bằng “công nghệ tiên tiến”. Cả hai thông báo đều phù hợp với mục tiêu của “Made in China 2025”.
Thông tin này thể hiện một điều rõ ràng: Trung Quốc sẽ không sớm kiềm chế nhiều mục tiêu công nghệ của họ. Đồng thời, nước này cũng còn rất lâu mới đạt được những mục tiêu đó.
Tỷ lệ thành phần ngoại nhập trong hàng xuất khẩu từ Trung Quốc giảm trong hai thập niên qua Ảnh: Bloomberg
Số liệu cho thấy Đại lục ngày càng không cần các nhà máy của thế giới. Phần thiết bị ngoại trong hàng xuất khẩu của Trung Quốc, dựa theo tỷ lệ các thành phần nhập khẩu, giảm đều 20 năm qua. Hầu hết đầu vào nguyên liệu, thiết bị giờ là hàng “made in China”.
Song điều này cũng đúng với các doanh nghiệp ngoại. Đơn cử là ABB. Hãng công nghiệp Thụy Sĩ cung cấp gần 90% bộ phận hãng dùng để sản xuất máy biến áp, robot và thiết bị điện ở Trung Quốc, rồi bán phần lớn sản phẩm làm ra được tại đây, theo ngân hàng Morgan Stanley.
“Made in China 2025” ra đời mùa hè năm 2015, đưa ra cách thức và lý do vì sao Trung Quốc cần phải tiến lên các bậc thang công nghệ và thu hẹp khoảng cách với nhiều nước phát triển trong mảng sản xuất cao cấp và sản xuất thông minh.
Kế hoạch xác định 10 lĩnh vực chính, đặt ra nhiều mục tiêu để nâng cao lượng nội địa trong thành phần và nguyên liệu cốt lõi. Thế giới ngần ngại trước kế hoạch này, cho rằng đây là một loại chính sách thay thế nhập khẩu một cách lén lút. Quy mô tài chính của kế hoạch cũng khiến người ta quan ngại với hàng trăm tỉ USD được hỗ trợ bởi nhiều ngân hàng nhà nước và vốn bơm từ chính phủ.
Bất chấp đặt mục tiêu chi hàng trăm tỉ USD để cải tiến công nghệ nước nhà, chi tiêu R&D của Trung Quốc vẫn chưa hiệu quả Ảnh: Bloomberg
Song Bắc Kinh không có nhiều thứ để thể hiện. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc dù tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ hay Nhật Bản, nếu xét về tỷ lệ phần trăm chi phí R&D trong GDP. Cường độ R&D, thước đo cho thấy đất nước tiêu tiền hiệu quả ra sao, gần như không tăng trong hai năm qua.
Tại diễn đàn kinh doanh gần đây, một quan chức cấp cao của ủy ban quan hệ tài chính và kinh tế thuộc Quốc hội Trung Quốc cho biết Đại lục có thể bỏ lỡ nhiều mục tiêu về tỷ lệ chi tiêu R&D trong GDP trong kế hoạch 5 năm kết thúc vào năm 2020. Nước này có thể chi ít hơn 100 tỉ USD so với dự tính.
Trò chuyện với giới giám đốc nhiều hãng sản xuất máy móc Đức, họ sẽ đánh giá rằng chuyên môn của Trung Quốc đạt đến mức thứ nhì, thứ ba nhưng còn xa mức cao nhất. Các hãng hóa chất ở miền nam Trung Quốc cho biết mọi doanh nhân đều muốn tạo ra hợp chất nhưng khi nhắc đến hợp chất cao cấp, công thức của họ thường không ổn định.
Trong năm 2017, sản xuất công nghệ cao Đại lục chỉ chiếm dưới 13% tổng giá trị gia tăng công nghiệp. Hơn một nửa tiêu chuẩn công nghệ dành cho sản xuất thông minh không phù hợp với chuẩn được quốc tế chấp nhận. Đây là điểm có thể cản trở các hãng ngoại, song cũng cản trở chính doanh nghiệp Trung Quốc trên trường quốc tế.
Doanh số xe chở khách dùng nhiên liệu sạch của Trung Quốc tăng vọt, song nước này vẫn chưa có mẫu xe gây tiếng tăm Ảnh: Bloomberg
Trên thị trường phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV), Trung Quốc cũng khó dẫn đầu. Sản xuất trong nước được đặt mục tiêu đạt 80% thị phần thị trường NEV năm 2025, dù vậy giữa hàng triệu phương tiện NEV được tung ra, vẫn chưa phương tiện "made in China" nào “vô địch quốc gia” hoặc có tiếng trên thế giới. Thay vào đó, trợ cấp cho ra lò loạt xe điện chất lượng thấp. Một số cái tên được gọi là “đối thủ của Tesla” đến rồi đi. Cuối cùng, Trung Quốc vẫn cho phép chính Tesla vào và lập nhà máy, sản xuất tại chỗ.
Bất chấp căng thẳng thương mại và nhiều rào cản rõ ràng, đầu tư nước ngoài liên tiếp chảy vào Đại lục. Trong 11 tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài tăng 1,1% lên hơn 120 tỉ USD. Số doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư tăng gần 78%. Tiền đổ vào nhiều lĩnh vực nóng tăng đến 30%.
Các nhà đầu tư nước ngoài không quá quan tâm đến “Made in China 2025”. Suy cho cùng, các nước vẫn có chính sách khác nhau. Đơn cử, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Canada có quy tắc riêng cho địa phương, trong khi Ấn Độ thì áp thuế nhập khẩu cao ngất. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ hiện nhắm vào tất cả các ngành công nghiệp mà Trung Quốc liện kê trong “Made in China 2025”.
Sự cởi mở của Trung Quốc với đầu tư ngoại có lợi cho nước này và giúp các hãng ngoại như BMW, Dow-DuPont và Apple kiếm lời. Nước này có cơ hội leo lên bậc thang công nghệ bằng cách đưa doanh nghiệp nước nhà đến gần những đối thủ tầm cỡ của thế giới hơn là "bế quan tỏa cảng” với các tuyên bố hùng hồn và tài liệu chiến lược nhẹ nhàng. Không có nhiều thứ để sợ về kế hoạch “Made in China 2025”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.