Kế hoạch phát triển bờ biển đầy tham vọng của Pakistan, Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
07/10/2021 22:40 GMT+7

Giữa lúc dự án phát triển cảng Gwadar có nhiều vấn đề, Pakistan và Trung Quốc tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng là phát triển toàn diện bờ biển thành phố Karachi.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi dự án phát triển cảng Karachi 3,5 tỉ USD là “thứ thay đổi cuộc chơi”

NIkkei ASIA

Trong cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Hợp tác chung về Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) diễn ra hồi tháng trước, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ cho dự án Vùng Phát triển toàn diện bờ biển Karachi ở thành phố cùng tên thuộc tỉnh Sindh, nằm phía nam Pakistan.

Tờ Nikkei Asia ngày 5.10 dẫn thông tin chi tiết do phía Pakistan chia sẻ cho hay Trung Quốc sẽ đầu tư 3,5 tỉ USD cho dự án, bao gồm việc xây thêm các bến tàu cho cảng Karachi, phát triển các cảng cá mới, một khu thương mại rộng 640 ha và xây dựng một cây cầu kết nối cảng với quần đảo Manora gần đó.

“Dự án này sẽ làm sạch môi trường biển cho các ngư dân, phát triển [20.000] căn nhà ở thu nhập thấp và mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư. Sẽ đưa [Karachi] ngang tầm với những thành phố cảng phát triển khác”, Thủ tướng Pakistan Imran Khan viết trên Twitter.

Khó thực thi?

Karachi là thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại chính của Pakistan, có cảng nhộn nhịp nhất ở nước này.

Ông Malik Siraj Akbar, một nhà phân tích về Nam Á ở Mỹ, tin rằng Karachi không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn mà còn có trật tự và luật chặt chẽ hơn, giúp thành phố này trở thành một trung tâm lý tưởng cho CPEC.

Trong khi đó, một số nhà phân tích khác cho rằng việc thực hiện dự án Vùng Phát triển toàn diện bờ biển Karachi sẽ gặp khó khăn, dù phía Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ và bày tỏ cam kết về dự án.

Chuyên gia Krzysztof Iwanek, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nghiên cứu chiến tranh (Ba Lan), tin rằng các dự án thuộc sáng kiến Vành Đai và Con đường đang bị soi xét ở Trung Quốc và hiện có sự tập trung vào những dự án khả thi hơn.

Ông cho rằng đối với Pakistan, việc thu hút vốn đầu tư hay các khoản vay cho dự án mới sẽ không dễ vì Trung Quốc đang cho vay với sự tập trung nhiều hơn vào “chủ nghĩa thực dụng”.

Lược đồ vị trí thành phố Gwadar và Karachi ở Pakistan

NIKkei ASIA

Tương tự, ông Arif Rafiq, chủ tịch Vizier Consulting (một công ty đánh giá rủi ro chính trị ở thành phố New York), cho rằng dự án Vùng Phát triển toàn diện bờ biển Karachi sẽ trải qua một quá trình dài.

“Các nghiên cứu về tính khả thi, trong đó có việc đánh giá tác động về môi trường, cần được tiến hành. Việc nạo vét sẽ phá hủy rừng đước, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bão và xói mòn”, ông Rafiq nhận định.

Ông ước tính có khoảng 500.000 người sẽ phải tái định cư, có thể dẫn tới một quá trình tranh cãi về mặt chính trị.

Số phận của dự án có vấn đề

Dự án Vùng Phát triển toàn diện bờ biển Karachi được đưa ra trong bối cảnh thành phố cảng Gwadar thuộc tỉnh Balochistan (phía nam Pakistan), vốn là phần trọng tâm của CPEC cũng như sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trở thành khu vực có vấn đề đối với giới đầu tư Trung Quốc.

Hồi tháng 8, một vụ đánh bom tự sát nhắm vào một chiếc xe chở các công dân Trung Quốc ở Karachi đã khiến 2 trẻ em thiệt mạng và 3 người bị thương. Vụ đánh bom xảy ra sau khi Thủ tướng Khan hồi tháng 7 khởi xướng một cuộc đối thoại hiếm thấy với các thành phần ly khai phản đối sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ngoài ra, Gwadar đang có nguy cơ không còn sức hút đối với đầu tư nước ngoài. Vào tháng 6, Ả Rập Xê Út đã quyết định chuyển một nhà máy lọc dầu 10 tỉ USD từ Gwadar đến Karachi. Đây là một cú sốc lớn đối với kế hoạch của chính phủ Pakistan là xây dựng một trung tâm năng lượng ở Gwadar, nơi đang có nhiều cuộc biểu tình do thiếu nước và điện.

Một binh sĩ Pakistan canh gác tại cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan hồi tháng 4.2016. Trung Quốc đang tham gia phát triển cảng Gwadar

Reuters

Một số nhà phân tích cho rằng cách Pakistan và Trung Quốc đang xử lý các vấn đề ở Gwadar có thể cho thấy bất kỳ dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường gặp vấn đề, dù có tiềm năng, cũng có thể bị bỏ hoặc không còn được ưu tiên.

“Pakistan và Trung Quốc từng có cơ hội phát triển cảng [Gwadar] trong một vùng xung đột, nhưng nhiều yếu tố khác như tham nhũng, quản lý kém, thiếu sự ủng hộ của công chúng và sự minh bạch, đã dẫn tới tình trạng cảng Gwadar mất đi sức hút”, nhà phân tích về Nam Á Malik Siraj Akbar bình luận.

Ông cảnh báo rằng những dự án khác thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường mà có vấn đề có thể đối mặt số phận tương tự, theo Nikkei Asia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.