Tại sao Trung Quốc luôn lo về 'tử huyệt' hành lang Wakhan của Afghanistan?

29/08/2021 10:15 GMT+7

Hành lang Wakhan - dải đất hẹp và cô lập trên đất Afghanistan luôn là nỗi lo của Trung Quốc về nguy cơ bị tấn công vào Tân Cương.

Khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15.8, Trung Quốc đã làm rõ với lực lượng này rằng Bắc Kinh xem sự ổn định dọc theo biên giới chung của hai nước là ưu tiên hàng đầu, theo South China Morning Post ngày 27.8. Việc Trung Quốc nhanh chóng nêu rõ quan điểm là có lý do, bởi nước này lâu nay vẫn luôn cảnh giác về dải đất kéo dài từ trung tâm Afghanistan đến biên giới với Trung Quốc: hành lang Wakhan.

Khắc nghiệt và khó tiếp cận

Đường biên giới dài 74 km giữa Trung Quốc và Afghanistan là đoạn cuối của hành lang Wakhan, dải đất hẹp, khắc nghiệt và khó tiếp cận, kéo dài 350 km từ tỉnh Badakhshan của Afghanistan tới khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Dọc phía bắc của hành lang là đất Tajikistan còn phía nam là Pakistan.
Hành lang này thuộc tỉnh Badakhshan hẻo lánh, vốn là nơi những ngọn núi lớn của thế giới gồm Hindu Kush, Karakoram và Pamirs gặp nhau, tạo ra dãy Pamir.
Theo South China Morning Post, Hành lang Wakhan được cho là khu vực gần như không thể tiếp cận từ bên ngoài hầu hết thời gian trong năm do khí hậu khắc nghiệt, độ cao và không có lối vào. Cụ thể, điểm tiếp cận duy nhất ở biên giới Afghanistan - Trung Quốc là tại đèo Wakhjir nằm phía đông nam của hành lang, có độ cao gần 5.000 m so với mực nước biển. Phần còn lại của biên giới đều là núi non hiểm trở.

Bản đồ hành lang Wakhan (Wakhan Corridor)

Viện Lowy

Tại sao Trung Quốc lo ngại?

Trung Quốc nhiều lần bày tỏ lo ngại an ninh về tình hình bất ổn ở Afghanistan vì lo rằng sẽ có lực lượng được đưa vào Tân Cương qua biên giới. 
Bắc Kinh cáo buộc Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM) đứng sau vụ đánh bom ở Tân Cương hồi năm 2014 khiến 3 người chết và 79 người bị thương, cũng như các vụ tấn công khác bao gồm cả ở Bắc Kinh. Theo South China Morning Post, Taliban vốn có quan hệ gần gũi với ETIM, còn Trung Quốc đặc biệt lo ngại nguy cơ nhóm này trỗi dậy.
Báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 5.2020 cho biết ETIM có khoảng 500 tay súng tại miền bắc Afghanistan, chủ yếu ở tỉnh Badakhshan.
Trong cuộc gặp đại diện Taliban hồi tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu Taliban "đoạn tuyệt" với ETIM. Khi đó, Taliban cam kết rằng sẽ không bao giờ cho phép lực lượng nào hoạt động gây bất lợi cho láng giềng. Vào thời điểm đó, Taliban đã kiểm soát hầu hết tỉnh Badakhshan. Còn hiện nay, lực lượng này đã kiểm soát gần như toàn lãnh thổ Afghanistan.

Trung Quốc đã làm gì?

Các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc hồi 2018 tiết lộ nước này đã tài trợ và bắt đầu xây dựng một trại huấn luyện cho binh sĩ Afghanistan ở hành lang Wakhan.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Afghanistan khi đó nói rằng không có bất kỳ nhân viên quân sự nào của Trung Quốc trên đất Afghanistan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho Afghanistan như một phần của nỗ lực hợp tác an ninh, bao gồm hoạt động chống khủng bố.
Ngoài ra, có thông tin rằng Trung Quốc đã xây dựng tiền đồn quân sự ở Tajikistan, gần biên giới Afghanistan, tuy nhiên giới chức Bắc Kinh bác bỏ tin này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.