Taliban trở lại kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan vào ngày 15.8, sau 20 năm kể từ khi bị lật đổ vào năm 2001. Cuộc tiến quân chóng vánh, thậm chí ở nhiều nơi lực lượng này còn không gặp phải sự phản kháng lớn nào từ quân đội chính phủ. Tại thủ đô Kabul, không có giao tranh, Tổng thống khi đó là Ashraf Ghani đã nhanh chóng từ chức và rời khỏi đất nước.
Quá trình giành quyền kiểm soát Afghanistan của Taliban được đánh giá là nhanh chóng, bất ngờ và có phần suôn sẻ. Nhưng những công việc sau đó đối với Taliban được cho là sẽ không thể dễ dàng, theo The Washington Post.
Cần sự công nhận
Taliban trở lại giành quyền kiểm soát Afghanistan trong tâm thế lật đổ chính quyền vốn được thành lập qua bầu cử và được quốc tế công nhận. Hơn một tuần sau khi kiểm soát đất nước, Taliban vẫn chưa lập chính phủ hay công bố cụ thể về cách thức cai trị.
Dù đưa ra nhiều tuyên bố được cho là tiến bộ và ôn hòa, như mong muốn thiết lập quan hệ với các nước, không muốn thù hằn, không trả thù người của chính quyền cũ, sẽ tôn trọng quyền phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn rất hoài nghi về những cam kết này.
Việc chưa được công nhận khiến Taliban khó tiếp cận các nguồn viện trợ, đầu tư nếu muốn thực hiện mục tiêu tái thiết đất nước mà lực lượng này tuyên bố.
Sự phản đối từ bên trong
Người dân Afghanistan lo sợ phải quay lại viễn cảnh bị cai trị hà khắc như thời Taliban cầm quyền từ 1996-2001. Dòng người Afghanistan đã đổ xô ra sân bay ở Kabul để tìm cơ hội thoát khỏi đất nước, ngay khi Taliban tiến vào thủ đô hôm 15.8. Hình ảnh hỗn loạn tại sân bay là minh chứng cho sự bất an của nhiều người dân Afghanistan.
Các cuộc biểu tình phản đối Taliban cũng đã nổ ra ở một số thành phố của Afghanistan, trong đó đã có người chết.
Trong khi đó, một phong trào phản kháng có tổ chức đã hình thành ở thung lũng Panjshir, với thành phần nòng cốt là lực lượng an ninh làm việc dưới chính quyền mới đã sụp đổ.
Kể từ khi Taliban tiến vào Kabul hôm 15.8 và kiểm soát đất nước, hàng ngàn người đã đổ về Panjshir. Tại đây, ông Ahmad Massoud đã tập hợp lực lượng chiến đấu khoảng 9.000 người. Ông Massoud là con trai cựu chỉ huy nổi tiếng của phong trào chống Taliban, Ahmad Shah Massoud, người bị Al-Qaeda giết 2 ngày trước vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ.
Vào ngày 22.8, Taliban ra thời hạn 4 giờ để ông Massoud đầu hàng. Đáp lại, ông cho hay Panjshir sẽ không đầu hàng và mọi người sẵn sàng chiến đấu. Theo ông Massoud, lực lượng tại Panjshir muốn đàm phán với Taliban về một chính quyền mới, những cũng sẵn sàng “xung đột kéo dài” nếu Taliban từ chối đàm phán.
Cựu phó tổng thống Amrullah Saleh, 48 tuổi, người tự xưng là Tổng thống lâm thời Afghanistan, cũng tuyên bố đang tập hợp lực lượng chống Taliban.
Tài chính và quản trị
Kiểm soát Afghanistan và muốn nắm quyền thật sự đòi hỏi Taliban phải tính toán kỹ về vấn đề tài chính. Mỹ và các tổ chức quốc tế đã ngăn Taliban tiếp cận nguồn dự trữ ở nước ngoài. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo chặn nguồn tài chính dành cho Afghanistan, bao gồm khoản tiền dự trữ 440 triệu USD, do chưa rõ về chính quyền nước này sau khi Taliban giành quyền kiểm soát.
Thông báo của IMF được đưa ra theo sau sức ép từ Bộ Tài chính Mỹ, nhằm đảm bảo khoản tài chính theo quyền rút tài sản dự trữ đặc biệt (SDR) của Afghanistan sắp thông qua không rơi vào tay Taliban. Theo truyền thống, IMF luôn dựa vào quyết định của các thành viên trong việc công nhận các chính phủ nắm quyền thông qua lật đổ hay bầu cử gây tranh cãi.
Taliban lúc này cần tính toán về việc trả lương cho nhân viên nếu thành lập chính quyền mới và giải quyết các vấn đề kinh tế, dân sinh. Afghanistan lâu nay chủ yếu dựa vào viện trợ từ bên ngoài, nhưng giờ gặp khó khăn do Taliban vừa nắm quyền kiểm soát.
Ngay cả trước khi Taliban kiểm soát, Afghanistan đã là đất nước kém phát triển với số người sống dưới mức nghèo lên tới 90%. Theo tổ chức Save the Children, Afghanistan có số người đối mặt mức độ đói nghèo khẩn cấp cao thứ 2 trên thế giới, phân nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này có nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay.
Chưa rõ Taliban sẽ đối mặt và xử lý những thách thức này như thế nào trong thời gian tới.
Bình luận (0)