Kế hoạch siêu tàu ngầm hạt nhân của Mỹ

15/01/2017 10:00 GMT+7

Chính phủ Mỹ đã thông qua chương trình đóng mới đội tàu ngầm tối tân lớp Columbia mang tên lửa đạn đạo, nhằm tăng cường năng lực hải quân.

Theo Đài RT, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Frank Kendall vừa ký văn bản ghi nhớ về triển khai đóng tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới. Lớp tàu mới sẽ mang tên Columbia, thay cho tên cũ là Chương trình Thay thế tàu ngầm lớp Ohio (ORP).
Như vậy, trong tháng tại nhiệm cuối cùng, chính phủ Tổng thống Barack Obama đã thông qua khoản kinh phí “khủng” 129 tỉ USD để phát triển đội tàu ngầm hạt nhân gồm 12 chiếc. Đây là chương trình quốc phòng đắt đỏ thứ ba của Mỹ, sau kế hoạch chế tạo chiến đấu cơ F-35 trị giá 379 tỉ USD và mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo đa nhiệm (153 tỉ USD).
Sức mạnh răn đe hạt nhân
Giới chức Hải quân Mỹ cho biết đội tàu ngầm lớp Columbia sẽ thay thế tàu ngầm lớp Ohio gồm 14 chiếc đang hoạt động, trở thành lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Mỹ cho giai đoạn 2030 -2085. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Ohio sẽ giảm dần hoạt động từ nay đến năm 2027 và chiếc cuối cùng sẽ về hưu trong năm 2040, theo chuyên trang Defense News.
Với sự chuẩn thuận kinh phí từ Lầu Năm Góc, công tác thiết kế chi tiết và sản xuất đội tàu lớp Columbia đã chính thức bắt đầu. Chiếc đầu tiên dự kiến được đóng mới vào năm 2021 và đi vào tuần tra tác chiến lần đầu trong năm 2030. Một trong những sứ mệnh chính của tàu ngầm lớp Columbia là duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược, nhằm đảm bảo khả năng trả đũa của Mỹ trong trường hợp bị tấn công phủ đầu.
Với chiều dài 171 m và độ choán nước 20.810 tấn theo thiết kế, một khi đi vào hoạt động, tàu ngầm lớp Columbia sẽ giành ngôi tàu ngầm lớn nhất của Mỹ từ tàu lớp Ohio hiện nay (dài 170 m, độ choán nước 18.750 tấn). Cũng như lớp tàu tiền nhiệm, thủy thủ đoàn trên tàu lớp Columbia vẫn là 155 người.
Nhằm tiết giảm giá thành sản xuất, tàu ngầm lớp Columbia được cho là vẫn giữ nguyên mẫu hầm phóng tên lửa Trident của tàu lớp Ohio, trang bị 16 tên lửa Trident II D5 mang đầu đạn hạt nhân. Tàu mới cũng được trang bị công nghệ tàng hình và phòng thủ hạt nhân công nghệ cao.
Chuyên san The National Interest dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết nhờ lò phản ứng hạt nhân được cải tiến nên tàu sẽ không cần tiếp liệu giữa chừng trong suốt vòng đời hoạt động kéo dài 42 năm như các tàu trước đây, từ đó có thể duy trì hoạt động lâu hơn. “Nhờ tuổi thọ của lò phản ứng hạt nhân nên tàu mới sẽ không cần tiếp liệu định kỳ. Điều này giúp 12 tàu ngầm mới duy trì thời gian hiện diện trên biển ngang với 14 tàu lớp Ohio hiện nay, tiết kiệm được 40 tỉ USD chi phí mua sắm và bảo dưỡng”, Giám đốc chương trình đóng tàu Columbia, David Goggins cho hay.
Ngoài ra, tàu mới cũng được bổ sung một số hệ thống kỹ thuật để tăng cường khả năng tàng hình và giảm tiếng ồn vượt trội so với các thế hệ tàu ngầm hạt nhân hiện nay.

tin liên quan

‘Thợ săn’ tàu ngầm được trang bị vũ khí
Hải quân Mỹ đang chuyển hướng phát triển của chương trình tàu rô bốt tự lái Sea Hunter theo hướng mở rộng hỏa lực và trang bị thêm các công cụ tấn công điện tử cho con tàu chuyên dò tìm tàu ngầm này.
Công nghệ thế hệ mới
Theo The National Interest, tàu ngầm lớp Columbia sở hữu hàng loạt công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống điều khiển điện tử và thủy âm mảng pha hình cung tầm xa. Hệ thống thủy âm mảng pha hoạt động bằng cách phát ra tín hiệu âm thanh, sau đó phân tích sóng âm dội ngược lại để xác định vị trí và kích thước của mối đe dọa dưới biển. “Ưu điểm của hệ thống thủy âm mới là có hiệu quả hoạt động cao, song tốn ít chi phí sử dụng cũng như bảo dưỡng hơn so với các công nghệ trước đây”, Giám đốc Goggins cho biết.
Mặt khác, để tiết giảm chi phí, các chuyên gia của chương trình quyết định tận dụng những ưu điểm trong hệ thống tác chiến của tàu ngầm tấn công lớp Virginia tích hợp vào tàu ngầm mới. Chúng bao gồm trinh sát điện tử, màn hình cảnh báo điện tử, hệ thống vô tuyến và máy tính. “Hệ thống điều khiển cho phép ê kíp vận hành nhập thông tin về lộ trình và độ lặn sâu của tàu ngầm vào máy tính rồi dùng những thuật toán phức tạp để duy trì lộ trình và độ sâu bằng cách truyền tín hiệu tới bánh lái và đuôi tàu”, ông Goggins nói.
Tàu lớp Columbia cũng sẽ được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và ăng ten thế hệ mới hiện đại hơn hẳn những “đàn anh”. Chẳng hạn, khu vực thường gắn kính tiềm vọng như hiện nay sẽ được thay bằng cột gắn camera kết nối bằng cáp quang. Điều này cho phép thủy thủ quan sát hình ảnh bên ngoài mà không cần phải đến gần kính tiềm vọng như trước đây. Ông Goggins cho biết thêm lớp Columbia được trang bị động cơ điện tử sử dụng thanh trục và cánh quạt trong hệ thống đẩy, giúp có lực đẩy hiệu quả hơn. Tuổi thọ thanh trục được nâng lên 10 - 12 năm thay vì chỉ từ 6 - 8 năm như hiện nay.
Theo quyết định từ Lầu Năm Góc, Tập đoàn công nghệ quốc phòng Mỹ General Dynamics Electric Boat đã được giao triển khai chương trình đóng tàu lớp Columbia. Hãng này dự kiến tăng số nhân công từ 14.000 người lên 18.000 người, làm việc liên tục tại các xưởng đóng tàu ở các bang Rhode Island và Connecticut để hoàn thành đúng hạn. Trong thông báo mới, Giám đốc Goggins nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết đóng tàu trong phạm vi ngân sách cho phép, tiết kiệm chi phí và bàn giao tàu lớp Columbia đúng thời hạn”.
Hải quân Mỹ sắp nhận tàu sân bay 13 tỉ USD
Hải quân Mỹ sắp nhận tàu sân bay 13 tỉ USD
Ảnh: Naval Today
Tàu sân bay mới nhất của Mỹ USS Gerald R.Ford dự kiến sẽ được thử nghiệm lần cuối và bàn giao cho hải quân nước này vào tháng 4, sau nhiều lần trì hoãn. Chuyên trang Naval Today dẫn lời người phát ngôn Hải quân Mỹ Thurraya Kent cho biết con tàu đã hoàn tất 99% và đợt thử nghiệm dài hơi trên biển sẽ diễn ra vào tháng 3.
Tàu được đóng bởi Tập đoàn Huntington Ingalls Industries với tổng chi phí được ước tính là 10,5 tỉ USD vào năm 2007. Tuy nhiên, chi phí sau đó tăng lên 13 tỉ USD và đây sẽ là tàu sân bay đắt tiền nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Tàu dài 335 m với độ choán nước lên tới 100.000 tấn, đạt ngưỡng siêu tàu sân bay, được thiết kế để vận hành hiệu quả mà không cần nhiều người điều khiển như các tàu thế hệ trước.
Cụ thể, USS Gerald R.Ford chỉ cần 2.600 thủy thủ để vận hành, ít hơn 600 người so với tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay. Riêng điều này đã giúp hải quân Mỹ tiết kiệm hơn 4 tỉ USD chi phí sử dụng trong suốt vòng đời 50 năm của con tàu, nếu so sánh với lớp Nimitz.
Ban đầu, tàu dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2014 trước khi bị hoãn lại do nhiều trục trặc kỹ thuật. Một trong những trục trặc, theo báo cáo năm 2016 của Cơ quan Thử nghiệm và đánh giá Mỹ, là do bệ phóng điện từ (EMALS) tạo áp lực khí quá lớn nên không thể phóng các máy bay F/A-18 và EA-18G.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.