Ở giai đoạn Thế chiến 2 sắp chạm ngõ, Đức Quốc xã ngày càng bức bối vì lực lượng hải quân của mình quá yếu ớt so với các cường quốc khác. Giữa những năm 30 của thế kỷ trước, Adolf Hitler ra lệnh tìm kiếm một kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân đủ để vượt qua uy thế trên biển của Anh cũng như phục vụ các mục tiêu quân sự và đối ngoại về lâu dài của mình, theo chuyên san The National Interest.
Đến tháng 3.1935, Hitler tuyên bố Đức không chấp nhận các điều khoản hạn chế quy mô hải quân trong Hiệp ước Versailles nữa. Sau một thời gian thương thảo, cuối cùng Đức và Anh đi đến một thỏa thuận mới mang tên Hiệp ước hải quân Anh - Đức. Theo đó, Đức chỉ có thể xây dựng hải quân với quy mô bằng 1/3 so với hải quân hoàng gia Anh, còn quy mô tàu chiến và kích cỡ nòng súng thì áp dụng theo Hiệp ước hải quân Washington, vốn được ký năm 1923 tại Mỹ nhằm ngăn chặn các bên chạy đua vũ trang trên biển.
Tuy nhiên, Hitler thuộc típ người không thích giữ lời hứa. Trong khi quy mô hải quân Đức quốc xã còn chưa với tới tầm 1/3 kể trên, ông ta đã có sẵn ý định xếp xó bản hiệp ước với London. Mặt khác, vào thời điểm đó, Hitler và các chiến lược gia tại Berlin cho rằng phải đến năm 1948 mới có thể nổ ra một cuộc chiến quy mô lớn mới nên Đức đặt mục tiêu là đến cuối thập niên 1940, nước này sẽ sở hữu một lực lượng hải quân hùng mạnh ngang hàng với các cường quốc khác. Kế hoạch X âm thầm chào đời và sau khi được bàn thảo, sửa chữa thì trở thành Kế hoạch Y. Đến bản cuối cùng được đệ trình cho Hitler, tên của văn kiện này được sửa thành Kế hoạch Z, do Hitler ký thông qua ngày 1.3.1939.
Theo sách German Warships: 1815 - 1945 (tạm dịch Chiến hạm Đức 1815 - 1945) của tác giả Erich Gröner, kế hoạch này xác định mục tiêu đóng một loạt chiến hạm mới để hải quân Đức đạt đến quy mô 10 thiết giáp hạm, 4 tàu sân bay, 15 thiết giáp hạm cỡ nhỏ, 5 tuần dương hạm hạng nặng...
|
Hoành tráng... trên giấy
Ngay lập tức, Kế hoạch Z được đưa vào triển khai. 2 thiết giáp hạm hạng nhẹ mang tên Scharnhorst và Gneisenau là những sản phẩm đầu tiên với thiết kế mỗi chiếc được trang bị 9 khẩu đại bác cỡ nòng 280 mm. Một trong những mục tiêu của dự án đóng 2 tàu này là các nhà máy đóng tàu Đức sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhằm xây dựng khả năng đóng tàu chiến cỡ lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Hitler tỏ ra thiếu kiên nhẫn nên khi 2 tàu đầu tiên còn chưa hoàn thành thì 2 tàu thiết giáp khổng lồ Bismarck và Tirpitz chào đời với lượng choán nước đến 50.000 tấn, vượt xa quy định của Hiệp ước hải quân Washington, và mang 8 khẩu pháo 380 mm.
Cũng theo Kế hoạch Z, linh hồn của siêu hạm đội Đức quốc xã là 6 thiết giáp hạm lớp H với độ choán nước lên đến 55.000 tấn, mỗi chiếc được trang bị 8 đại bác 406 mm. Về cơ bản, lớp H là phiên bản mở rộng của chiến hạm Bismarcks và Hitler hy vọng chiến hạm lớp H có thể tác oai tác quái trên biển, cạnh tranh ngang ngửa với đội tàu hiện đại của Anh, thế lực đang thống trị Đại Tây Dương thời đó.
Ngoài ra, theo The National Interest, Đức Quốc xã cũng đặt tham vọng đóng 3 tàu tuần dương chiến đấu lớp O, cơ động hơn nhưng không có lớp giáp chắc chắn như thiết giáp hạm. Tàu lớp O được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ lực trong các cuộc tấn công tàu thương mại và tàu tiếp tế của đối thủ.
|
Như đã đề cập, Hitler dự tính hoàn tất kế hoạch khổng lồ này vào năm 1948. Tuy nhiên, đến năm 1938, chính sách đối ngoại của Đức ngày càng bất đồng với Anh và Hitler ra lệnh gấp rút hoàn thành Bismarck và Tirpitz, cùng lúc đẩy nhanh tiến độ đóng 6 chiến hạm lớp H. Cuối cùng do cục diện thế giới và các điều chỉnh chiến lược của trùm phát xít khiến Thế chiến 2 nổ ra sớm hơn ước đoán ban đầu đến gần 10 năm. Đức buộc phải hủy bỏ hoặc hoãn hầu như toàn bộ Kế hoạch Z khi chỉ mới có 2 chiến hạm Bismarck và Tirpitz là hoàn thành và chưa kịp thử nghiệm. Tham vọng thống trị đại dương của Hitler vẫn chỉ nằm trên giấy.
Nỗi kinh hoàng mang tên U-boat
Tuy thất bại khi gần như “còn trong trứng nước” nhưng Kế hoạch Z có tác động không nhỏ đến cục diện Thế chiến 2. Thật ra ngay từ đầu, những tướng lĩnh tỉnh táo hơn của Đức, chẳng hạn như Phó đô đốc Erich Raeder, đã cho rằng muốn kèn cựa với hải quân Anh thì phải cần một kế hoạch cân bằng hơn, tập trung vào các thiết giáp hạm cỡ nhỏ và tuần dương hạm tầm xa. Đội tàu ngầm U-boat, vốn đã chứng tỏ năng lực từ Thế chiến 1 cũng được đặc biệt đề cao. Theo The National Interest, nhiều sĩ quan cấp cao của hải quân Đức khi đó đề xuất tập trung phát triển U-boat để phá vỡ vòng kiềm tỏa của Anh, cho phép hạm đội Đức tiến ra Bắc Hải. Tuy nhiên, chìm đắm trong giấc mơ cuồng ngạo của mình, Hitler đã bác bỏ tất cả can gián.
Phải đến khi chiến tranh đến hồi khốc liệt, Quốc trưởng Đức mới nhận ra không còn đủ thời gian, tài chính và tiềm lực cho kế hoạch đồ sộ này nữa. Hải quân Đức chông chênh một thời gian trước khi quyết định tập trung nguồn lực cho vũ khí lợi hại nhất của mình. Đó là một quyết định chính xác khi tàu ngầm U-boat gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho cả tàu chiến và tàu thương mại của Đồng minh, góp phần đáng kể để phong tỏa bờ biển cũng như cắt đứt tuyến vận chuyển tiếp tế từ Mỹ cho mặt trận châu Âu. Trong cuốn hồi ký về Thế chiến thứ 2 mang tên The Second World War, Volume 2 (Thế chiến 2, tập 2), Thủ tướng Anh Winston Churchill thừa nhận: “Điều duy nhất làm tôi thực sự sợ hãi trong suốt cuộc chiến là nỗi kinh hoàng mang tên U-boat”.
Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn. The National Interest dẫn lời giới chuyên môn chỉ ra rằng 4 chiến hạm được đóng sớm nhất trong Kế hoạch Z đã tiêu tốn chi phí đủ đóng hơn 100 chiếc U-boat loại VII, vốn được mệnh danh là “hung thần biển cả”. Đến khi Hitler tỉnh ngộ vào năm 1943, quay sang đầu tư mạnh cho U-boat thì không còn kịp nữa. Thất bại toàn diện đến với ông ta chỉ 2 năm sau đó.
Theo các sử gia, nếu Kế hoạch Z chưa từng được thông qua và Đức tập trung hơn cho sức mạnh U-boat thì hải quân nước này đã hùng mạnh hơn rất nhiều trong Thế chiến 2 và lịch sử có lẽ đã rẽ sang hướng khác.
Bình luận (0)