Kế hoạch thu hồi đất sân bay Long Thành

28/10/2017 08:00 GMT+7

Sáng 27.10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình báo cáo dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội.

Theo tờ trình, tổng mức dự án hơn 23.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD), trong đó có 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân. Nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách T.Ư gần 22.000 tỉ đồng, chiếm 95% tổng mức đầu tư. T.Ư ứng nốt hơn 1.100 tỉ đồng (chiếm 5%) còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định.
Lo ngại chênh lệch giá phát sinh khiếu kiện
Thảo luận tại tổ sáng 27.10, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại về chênh lệch giá bồi thường dễ phát sinh khiếu kiện, cũng quan tâm vấn đề quy hoạch đất quốc phòng được bồi thường hay không.
Cho ý kiến về nội dung 1.050/5.000 ha đất thuộc dự án là đất quốc phòng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần phải nói rõ tính cấp thiết của phần đất này. Trừ những công trình quân sự bí mật, những công trình quân sự thông thường phải có giải trình để cử tri có cơ sở theo dõi xem diện tích đất đã thu hồi có được sử dụng đúng mục đích hay không. Ông Nghĩa nêu: “Làm gì trên đất quốc phòng cũng đều phải nói rõ và khẳng định chỉ dùng cho nhiệm vụ quốc phòng và sẽ không có nhà hàng, khách sạn, sân golf... trên đất đó”.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, cho biết cử tri Q.Tân Bình (TP.HCM) trong 3 ngày qua liên tục điện thoại cho ông bày tỏ sự quan tâm về dự án xây dựng sân bay Long Thành, đặc biệt bức xúc về việc chưa xử lý rõ nét sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
“Cán bộ mua đất ở Long Thành hết rồi”
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng Quốc hội chỉ nên thống nhất về mặt chủ trương dự án, còn triển khai cụ thể nên giao cho Chính phủ. Đáng lưu ý, theo thượng tướng Lê Chiêm, an ninh quốc phòng phía sau dự án này sẽ vô cùng phức tạp. “Người dân ở TP.HCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi. Người dân ở Long Thành không ở được mà lên Đắk Lắk, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ ta mua hết rồi”, thượng tướng Lê Chiêm nói.
Ông Chiêm cũng đề nghị phải nghiên cứu lại quy trình bởi: “Hiện mức chênh giá đền bù đã lên tới gần 50%. Ai chịu? Nhà nước chịu chứ ai chịu, nhân dân gánh chứ ai gánh”.
Đại biểu Hồ Văn Năm, Đồng Nai đề nghị thu hồi sớm sẽ có lợi về giá đền bù hơn. Tuy nhiên, ông Năm cũng tỏ ra lo lắng việc giao cho Đồng Nai thực hiện rất khó khăn cho địa phương trong trường hợp không đủ kinh phí. Ông Năm cũng nêu thực tế chênh lệch giữa khung giá nhà nước và giá thị trường rất lớn, trên 50%. “Phải dân vận tốt cho dân thông mới thu hồi đất được, nếu không dễ bị lợi dụng kích động, người dân dễ có sự so sánh, sinh khiếu kiện. Đất nông nghiệp chỉ 100.000 - 200.000 đồng/m2, trong khi giá đất ở ngoài 1 - 2 triệu đồng/m2”, ông Năm nói.
Giảm chi tiêu bộ máy, lấy tiền xây Long Thành
Thảo luận tại tổ, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, cho rằng chi thường xuyên của bộ máy chiếm 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước. Đây là con số tăng rất lớn và tập trung chủ yếu chi lương và các khoản phụ cấp (chiếm 52,8%), còn lại là chi hành chính. Theo ông, dự kiến chi thường xuyên trong cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 là gần 900.000 tỉ đồng, như vậy nếu tiết kiệm 1% trong số đó thì sẽ có 10.000 tỉ đồng, tiết kiệm 2% là 20.000 tỉ đồng, đủ tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây sân bay Long Thành.
Cục Quản lý cạnh tranh có “tuýt còi” nếu các bộ vi phạm ?
Thảo luận ở tổ về dự án luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 27.10, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng việc xác lập địa vị Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương sẽ khó có thể ngăn chặn được tình trạng các bộ hay cấp cao hơn có hành vi phản cạnh tranh.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận xét việc dự thảo luật đã bắt đầu hướng đối tượng nhóm cơ quan quản lý nhà nước để xử lý khi ban những quyết định hành chính phản cạnh tranh là một chỉ dấu tốt. “Tuy nhiên dự thảo thiết kế theo hướng cơ quan quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công thương. Trong khi Bộ Công thương ngang với các bộ khác, vậy nếu giả sử một cơ ngang bộ có hành vi vi phạm cạnh tranh thì liệu cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu bộ đó phải chấm dứt hành vi vi phạm đồng thời khắc phục hậu quả có khả thi hay không”, ông Thường hoài nghi.
Tương tự, Phó giám đốc Công an Hà Nội Đào Thanh Hải cũng lo ngại trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa một bên là cơ quan thuộc Bộ Công thương, bên kia là cơ quan bên ngoài thì liệu rằng phán quyết của cơ quan quản lý cạnh tranh có giữ được sự độc lập, khách quan.
Giải trình một số vấn đề của dự thảo luật, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (Đoàn Quảng Ngãi) cho hay trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Ban soạn thảo đã đề xuất Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ để đảm bảo tính độc lập trong quá trình hoạt động. “Tuy nhiên, sau khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo nhận được ý kiến chỉ đạo theo hướng không làm tăng biên chế, tăng đầu mối cơ quan nên Ban soạn thảo đưa ra quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương. Nhưng đi kèm đó, chúng tôi đã và đang hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành để làm sao đảm bảo tính độc lập, hiệu quả của cơ quan cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng nói.
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.