Kê khai giá bán lẻ sữa

03/08/2017 07:54 GMT+7

Cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp tin rằng thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ cạnh tranh và được quản lý tốt hơn với quy định mới cho phép doanh nghiệp được định giá bán rồi giải trình và kê khai với nhà nước.

DN được chủ động giá bán
Hôm qua (2.8), Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị triển khai Thông tư 08/2017/TT-BCT về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 10.8 tới. Đây là vấn đề gây chú ý với dư luận khi thời gian qua câu chuyện giá sữa, nhất là sữa ngoại cho trẻ em dưới 6 tuổi luôn bị đẩy lên cao khiến người tiêu dùng bức xúc.
Thông tư này vẫn tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp (DN) đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hoạch toán kế toán hiện hành. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất là nếu trước đây, DN chỉ kê khai giá bán buôn mà không phải chịu trách nhiệm về giá bán lẻ, thì nay, thông tư mới đã yêu cầu DN phải kê khai giá bán đến tay người tiêu dùng.
“Cách tiếp cận mới của chúng tôi là tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa. Bởi đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của nhà nước đối với giá các mặt hàng nhạy cảm này”, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Nguyễn Lộc An nói và dẫn ví dụ nếu trước đây DN khai giá (bán buôn) một hộp sữa 10 đồng, nhưng qua đại lý cấp 1, 2, 3, 4…, đến tay người tiêu dùng thì có thể lên đến 15 - 20 đồng mà không xử lý hay buộc trách nhiệm DN được, thì nay, thông qua kê khai giá bán lẻ, sẽ buộc DN đăng ký giá này và chịu trách nhiệm về sự tính toán, kê khai đó.
Vẫn theo ông An, trong phạm vi điều chỉnh giá bán với biên độ nhỏ (dưới 5%), DN sẽ có quyền chủ động về việc thay đổi giá nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc DN gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước theo phân cấp để các cơ quan chức năng nắm được thông tin đầy đủ, liên tục đối với giá hàng hóa. Trường hợp hậu kiểm mà các chi phí này không hợp lý thì DN sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Tại hội nghị, đại diện Công ty Nutricare lại cho rằng việc thông tư mới yêu cầu DN phải kê khai cả hệ thống đại lý của mình là không cần thiết. Song theo bà Lê Thị Hồng - Trưởng phòng Dự báo và cân đối cung cầu hàng hóa (Vụ Thị trường trong nước), thì sữa là ngành kinh doanh có điều kiện, nên không chỉ nhà nước quản lý giá mà còn cả quản lý chất lượng. “Việc kê khai hệ thống phân phối là để gắn trách nhiệm nhà phân phối với chất lượng. Điều này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý truy xuất được nguồn gốc”, bà Hồng giải thích.
Thị trường sẽ cạnh tranh hơn
Ông Matthew Garland, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham), nhận định quy định trên đã đề ra một hướng quản lý mới, trong đó tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. “Điều này đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của DN và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường”, ông Matthew Garland nhận xét.
Một điểm đáng nói nữa là quy định mới bắt buộc DN phải niêm yết giá bán tại các cửa hàng, đại lý. Từ đó, người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua đúng giá niêm yết của sản phẩm. Bên cạnh đó, giá sữa sẽ được công khai trên website của các sở công thương để đại diện người tiêu dùng giám sát.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, nhận định các quy định tại thông tư mới đã rõ ràng, minh bạch và buộc DN phải kê khai minh bạch, rõ ràng với cơ quan quản lý. Ông Trung cũng cho rằng việc giao quản lý sữa về cho Bộ Công thương - cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, có hệ thống thương vụ ở nước ngoài là hợp lý vì các cơ quan này có điều kiện tiếp cận chi phí cấu thành giá sữa.
“Điều này sẽ vất vả hơn cho cơ quan quản lý, mà điển hình là từ quản lý giá bán buôn sang chú trọng giá bán lẻ, nhưng trong bối cảnh 60 - 70% sản phẩm sữa là hàng nhập khẩu thì nó sẽ giúp thị trường được quản lý chặt, trật tự, cạnh tranh hơn và từ đó người tiêu dùng hưởng lợi”, ông Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.