Kể lịch sử bằng âm nhạc

23/12/2020 06:58 GMT+7

Nhạc sĩ Việt Anh cùng ca sĩ Thu Phương đang thực hiện dự án âm nhạc Nam Phương hoàng hậu , được ấp ủ từ 4 năm trước.

Bên cạnh đó, một số dự án âm nhạc sử dụng chất liệu lịch sử cũng được nghệ sĩ ấp ủ và ra mắt trong thời gian gần đây.

Âm nhạc kể chuyện “vàng son một thuở”

“Bắt đầu bằng một bài hát về Nam Phương hoàng hậu, viết cho Thu Phương, nhưng rồi có điều gì đó dẫn dắt để tôi cùng Thu Phương thực hiện cả album về hoàng hậu Nam Phương”, nhạc sĩ Việt Anh chia sẻ về dự án âm nhạc Nam Phương hoàng hậu.
Nhạc sĩ Việt Anh đang ở New Zealand cho biết: “Quá trình sản xuất gặp rất nhiều trở ngại về không gian, thời gian… nhưng rồi đến một lúc mọi việc tự nhiên trôi chảy. Có lẽ điều đầu tiên để ê kíp thực hiện gắn bó và nuôi dưỡng xúc cảm với dự án suốt 4 năm qua là sự ngưỡng mộ, trân trọng và yêu quý hoàng hậu Nam Phương, người phụ nữ có số phận thật đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động...”.
Album là câu chuyện được kể bằng âm nhạc, không chỉ có riêng ca khúc. 8 bài hát bao gồm những bài anh mới viết, những bài chưa được công bố và một vài ca khúc cũ nhưng đã được chỉnh sửa để hợp với mạch chuyện. Chia sẻ về dự án trong ngày thu âm cuối cùng tại TP.HCM, ca sĩ Thu Phương cho hay: “Sau hơn 4 năm tìm hiểu để có thể biết được nhiều hơn những gì được sách, báo viết về nhân vật lịch sử đặc biệt này, đến khi đứng trước mộ của bà ở miền nam nước Pháp xa xôi, lúc đó tôi tự hỏi điều gì lịch sử không ghi lại, điều gì nằm ở dưới mộ phần nhỏ bé này, phải chăng đó là nỗi đau quá lớn?...”. Trong dự án này, Thu Phương muốn hát về thân phận người phụ nữ, về những điều người phụ nữ không dễ dàng nói ra. Theo chị, 8 ca khúc có thể xem như hành trình âm nhạc, khi nhạc sĩ Việt Anh đã xây dựng album như một câu chuyện hay vở kịch bằng âm nhạc.
Sau thời gian hoạt động tại Mỹ, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung trở lại thị trường trong nước cùng việc ra mắt album Ngô đồng. Đây cũng là sản phẩm mở đầu cho chuỗi dự án của nữ ca sĩ với âm nhạc cổ phong, thể loại âm nhạc viết theo giai điệu ngũ cung trên nền nhạc cụ dân tộc, cùng lời thơ có vần, nội dung dựa trên các điển tích. 8 ca khúc trong album được các nhạc sĩ trẻ sáng tác dựa trên lời thơ của nhà thơ - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, ghi lại nhiều điển tích Việt Nam.
Kể lịch sử bằng âm nhạc1

Thu Phương trong phòng thu album Nam Phương hoàng hậu, dự kiến ra mắt vào tháng 3.2021

ẢNH: ĐỘC LẬP

Nguyễn Hồng Nhung bắt đầu có ý tưởng thực hiện album này từ hơn 1 năm trước, khi ra mắt ca khúc Ngô đồng - nhạc phim cổ trang Phượng Khấu, nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả. Chị gần như là ca sĩ đầu tiên đặt chân tới “lãnh địa” nhạc cổ phong tại Việt Nam. “Trở về hoạt động ở Việt Nam, tôi luôn tâm niệm mình phải có điều gì đó mới mẻ trong sản phẩm. Đúng là cơ duyên khi tôi là một trong những người đầu tiên khai phá dòng nhạc mới, mặc dù cổ phong với thế giới đã quen thuộc nhưng ở Việt Nam chưa rõ ràng”, nữ ca sĩ chia sẻ. Chị cho hay muốn quảng bá và phát triển dòng nhạc này tại Việt Nam. “Với chất liệu âm nhạc mang âm hưởng dân gian như vậy, tôi muốn kể lại những điển tích của Việt Nam mình”, chị bày tỏ.

Nối dài bài học lịch sử

Album Hằng của “Sao Mai” Thu Hằng vừa được ra mắt là hướng rẽ bất ngờ của giọng ca dòng nhạc dân gian này. 10 ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc chính thống, cách mạng, trong đó nhiều ca khúc gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước được phối khí với phong cách hiện đại, phù hợp với thị hiếu người nghe trẻ. “Tôi muốn cùng những người trẻ nối dài những bài học lịch sử qua âm nhạc”, Thu Hằng lý giải. Nhạc sĩ Dương Trường Giang, nhà sản xuất âm nhạc của album Hằng, tiết lộ một ê kíp toàn người trẻ tham gia thực hiện ở các khâu cho album.
Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, điều khó nhất khi thực hiện album “làm mới” nhạc cách mạng như thế này là làm sao giữ được tinh thần của tác giả gửi gắm qua mỗi tác phẩm. “Chúng tôi giữ nguyên cấu trúc của tác phẩm, không đụng chạm đến bản nhạc gốc, nhưng ca sĩ sẽ hát thẳng hơn, ít rung hơn, đưa cách hát mới vào, để cho thấy hơi thở và cảm nhận của người trẻ. Chúng tôi muốn công chúng nhận ra mỗi thời đại có ngôn ngữ âm nhạc riêng”. Nghe đi nghe lại nhiều lần album này, NSND Thu Hiền dành lời khen cho ca sĩ: “Cách hát cho thấy sự bình yên về trong bão tố. Giá trị chân thiện mỹ được giữ gìn. Tôi thấy từ đây âm nhạc đã thực hiện được sứ mệnh kết nối thế hệ”.
Về các dự án âm nhạc lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử, theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, nhà sản xuất album Ngô đồng, có lẽ cùng với tình yêu dành cho lịch sử, ở đây là số phận của các nhân vật đặc biệt trong lịch sử, nó còn xuất phát từ khát khao nới rộng vùng sáng tạo nhằm tạo ra giá trị mới của người làm âm nhạc - nghệ thuật. “Tôi cho rằng những người thực hiện có lẽ ý thức rất rõ và mạnh mẽ việc dùng âm nhạc (hay phương thức nghệ thuật khác) để tái hiện - kể chuyện lịch sử nhằm tạo ra sản phẩm mang tính truyền cảm hứng. Nếu thực sự đủ chạm, đủ lôi cuốn thì thông qua bài hát, MV, bộ phim..., khán giả, thính giả hẳn sẽ tự tìm kiếm cho mình những gì muốn biết, muốn hiểu về lịch sử dân tộc mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.