Những phản biện hấp dẫn, uyên bác của Hoàng Tuấn Công đối với tác phẩm của một “cây đa cây đề” trong giới học thuật khiến bạn đọc lẫn giới học thuật rúng động. Công trình này đã được vinh danh ở Giải sách hay 2017.
Không e sợ “tượng đài ngôn ngữ”
* Duyên cớ nào khiến anh chọn Trung tâm khuyến lâm (nay là Trung tâm khuyến nông), một cơ quan không liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo để gắn bó công tác?
- Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), tôi về quê Thanh Hóa với hy vọng tìm được một việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, 2 năm cơ hội ấy vẫn hoàn toàn bế tắc. Giữa lúc đó, tôi nghe nói Trung tâm khuyến lâm Thanh Hóa cần một người có khả năng viết lách để làm công tác thông tin tuyên truyền, nên xin vào làm hợp đồng. Công việc chủ yếu của tôi là viết báo cáo tổng kết, khi cần thì chấp bút tham luận cho lãnh đạo, chụp ảnh, quay phim, làm tin bài về hoạt động của ngành và hoạt động khuyến lâm nói riêng.
|
|
|
* Việc phản bác một “tượng đài” về ngôn ngữ như Nguyễn Lân, lúc đầu anh có sợ bị “tác dụng ngược” không? Những khó khăn khi viết cuốn sách phê bình khảo cứu là gì và tại sao anh vẫn quyết tâm hoàn thành?
- Nếu nói “tác dụng ngược”, có nghĩa chính tôi sẽ là người bộc lộ sự kém dốt khi “phản bác”, thì xin nói ngay là tôi không sợ. Bởi tôi phê bình, khảo cứu trên cơ sở những chứng lý khoa học, chứ không theo ý chủ quan. Còn nếu hiểu “tác dụng ngược”, nghĩa là e sợ một “tượng đài ngôn ngữ”, thì thú thực, tôi hoàn toàn không nghĩ đến điều đó.
* Anh có thể nói rõ hơn?
- Khi tra cứu Từ điển thành ngữ và tục ngữ VN cũng như các cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ VN của GS Nguyễn Lân, tôi phát hiện những sách này có nhiều lầm lẫn, sai sót. Qua so sánh, chúng tôi thấy những “sơ sót” (chữ của Huệ Thiên) mà các nhà nghiên cứu chỉ ra một cách xác đáng cũng chỉ là phần rất nhỏ so với những sai sót chứa đựng trong từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên, từ điển của GS Nguyễn Lân vẫn tiếp tục được tái bản. Có thể thấy rằng những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân không chỉ ảnh hưởng tới việc học tập, nghiên cứu trong nước mà còn với cả cộng đồng người VN sinh sống ở nước ngoài.
Nhọc nhằn chuyện xuất bản sách
* Nghe nói tác phẩm trước khi xuất bản anh đã gửi đi nhiều nơi nhưng họ không dám in? Anh có thể kể về quá trình nhọc nhằn này?
- Đó là hành trình dài, một câu chuyện với nhiều trắc trở, rắc rối, rất khó kể lại đầy đủ bằng đôi dòng. Tôi đã gửi bản thảo đến nhiều nhà xuất bản T.Ư và công ty sách tên tuổi, nhưng đều lần lượt bị từ chối cấp phép, hoặc từ chối ký hợp đồng khai thác bản quyền... Trước tình hình quá căng, tôi quyết định thay đổi phương án là tìm về các nhà xuất bản địa phương. Tôi dự định nếu xin được giấy phép sẽ tự in, tự phát hành, chừng 500 cuốn. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không xong. Ở tỉnh, bản thảo lại tiếp tục bị từ chối với lý do “không có người biên tập” và... “không đúng chức năng” (!). Hành trình đi tìm giấy phép xuất bản cho cuốn sách nhiều lần tưởng “giữa đường gãy gánh”.
|
May quá, cuối cùng mọi việc kết thúc rất có hậu khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam Book nhận in và phát hành.
* Được biết, bố anh - nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ - là người rất am tường trong lĩnh vực ngôn ngữ, ông có giúp gì cho anh trong quá trình thực hiện công trình của mình?
- Có khá nhiều người thắc mắc với tôi, hoặc với chính cụ thân sinh tôi câu hỏi này. Có lẽ sự “xuất hiện” quá đột ngột của tôi, với lý lịch công tác tại một cơ quan khuyến nông, nhiều người đã nghĩ rằng một mình tôi không đủ sức viết một cuốn sách như vậy. Hẳn phải có sự trợ giúp của người khác, cụ thể là cụ thân sinh tôi. Thực ra, ngôn ngữ học không phải là lĩnh vực của ông. Hầu như trong 60 năm cầm bút, cụ nhà tôi chưa từng viết một bài nghiên cứu hay có công trình nào về ngôn ngữ học; cũng chưa có bất cứ cuốn sách phê bình, khảo cứu, hay bài viết nào về thành ngữ, tục ngữ, hay từ ngữ tiếng Việt. Ông chỉ quan tâm tới văn hóa, lịch sử và là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa với hàng chục đầu sách, gồm tiểu thuyết, truyện lịch sử, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, dư địa chí...
tin liên quan
Cuốn sách 'bắt lỗi' từ điển của giáo sư Nguyễn Lân* Anh có sử dụng tư liệu, sách của bố để hoàn thành tác phẩm không?
- Thời kỳ tôi viết Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, thì ở quê nhà cách gần 20 km, bố tôi cũng đang dồn tâm huyết, thời gian cho công trình Tinh hoa văn hóa xứ Thanh (sắp xuất bản). Cụ còn viết bài cho nhiều chuyên mục văn hóa lịch sử của báo chí địa phương. Theo đó, rất khó nhận được sự hỗ trợ của cụ, ngay kể cả ở khâu đọc soát văn bản, hay góp ý cho bản thảo. Mặt khác, tuy là cha con, nhưng trong học thuật, chúng tôi rất rõ ràng, rành mạch. Tư liệu, kiến thức của ai thuộc về người ấy. Đôi bên tôn trọng ý kiến, quan điểm của nhau. Khi sử dụng tư liệu trong các bài viết của tôi, ông cụ đều trích dẫn rõ ràng (ví như cuốn Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng, hay Địa chí huyện Quảng Xương...). Khi sử dụng tư liệu trong sách của cụ, tôi đều trích dẫn rất cụ thể như trong cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, ở phần thư mục tham khảo và hàng trăm đầu sách của các tác giả khác.
|
Phê bình, khảo cứu không phải là sách dễ “ăn khách”. Tuy nhiên, trong thực tế, Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu được đánh giá là ấn phẩm hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả. Chỉ trong vòng 2 tháng, sách đã in tới lần thứ 3, với số lượng kỷ lục 5.000 bản. Theo anh, đâu là nguyên nhân? Phải chăng do sách “đụng” đến một tên tuổi như GS Nguyễn Lân?
Đó cũng là một lý do, nhưng không phải cơ bản. Bởi nếu vậy, cùng lắm cuốn sách cũng chỉ thu hút được sự tò mò của một số ít người. Cơ bản, theo tôi là nội dung sách liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là lời ăn tiếng nói hằng ngày. Bất cứ ai, làm ngành nghề gì, trẻ hay già, khi đọc cuốn sách, đều có thể chiêm nghiệm, tìm thấy, gặp lại những câu chữ đã từng nghe, từng nói.
Một mặt, tôi chọn cách viết thật đơn giản, dễ hiểu; cố gắng lược bỏ những gì mang tính chất lý luận kinh viện, đưa vấn đề khảo cứu đến gần với thực tế đời sống. Mặt khác, trong mỗi mục phê bình, khảo cứu, việc đưa cứ liệu nào trước, cứ liệu nào sau, dẫn dắt vấn đề thế nào, đều có sự tính toán cân nhắc, nhằm tạo nên sự kịch tính, hấp dẫn. Có lẽ thế mà thể loại phê bình, khảo cứu vốn khô khan đã trở nên tươi mới, sinh động, gần gũi và lôi cuốn bạn đọc.
* Anh đang chuẩn bị gì cho năm mới?
- Tôi đang thực hiện bản thảo cuốn sách phê bình khảo cứu mới có tên Cà kê chuyện thành ngữ tục ngữ. Sách tập trung phê bình, khảo cứu những câu thành ngữ, tục ngữ còn gây nhiều tranh cãi, hoặc có cách hiểu chưa hợp lý.
|
Đóng góp lớn cho khoa từ điển học
PGS-TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng
Nên khích lệ, ủng hộ
PGS-TS văn học Đỗ Ngọc Thống
|
Bình luận (0)