Kênh đào Panama mở rộng thúc đẩy thương mại Mỹ - châu Á

23/06/2016 18:43 GMT+7

Kênh đào Panama mở rộng được khánh thành vào ngày 26.6 dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại Mỹ - châu Á, lấy hoạt động kinh doanh từ kênh đào đối thủ Suez bằng công suất tăng gấp ba lần.

Theo AFP, ông Nicolas Ardito Barletta, cựu Tổng thống Panama kiêm cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tại Mỹ La tinh cho hay: “Một lượng lớn thương mại giữa châu Á và bờ biển phía đông nước Mỹ giờ đây có thể đi qua trực tiếp trên các con tàu Neopanamax, hỗ trợ cả hai bên”. Tàu Neopanamax là thế hệ tàu chở hàng mới được thiết kế đặc biệt để đưa hàng hóa qua kênh đào Panama mở rộng. Loại tàu này có thể chở gấp ba lần số lượng container so với tàu Panamax cỡ nhỏ hơn.
Chín năm qua, với hơn 5,5 tỉ USD đầu tư, nước Panama tích cực mở rộng kênh đào 100 tuổi của họ để có thể đón nhiều tàu vận tải lớn hơn. Kênh đào Panama mới mở rộng cho phép các con tàu có chiều rộng 49 mét, dài 366 mét đi qua. Mục đích nâng cấp kênh đào Panama là nhằm tăng số lượng hàng hóa quá cảnh trên chặng đường thủy dài 80 km nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
5% giao thông hàng hải thương mại, đặc biệt là giữa các cảng ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đi qua kênh đào Panama. Kênh đào này cũng phục vụ Nam Mỹ và châu Âu nhưng với mức độ thấp hơn.
Ngày 26.6, tàu chở hàng Neopanamax Trung Quốc mang tên COSCO Shipping Panama dành cho dịp khánh thành sẽ là con tàu đầu tiên đi qua kênh đào hậu mở rộng.
Âu thuyền Cocoli mới ở kênh đào Panama AFP
Các nhà xuất khẩu, tập đoàn hàng hải châu Á và các hãng hậu cần, thương mại Mỹ sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên hưởng lợi từ sự thay đổi của kênh đào cắt ngang eo đất Panama ở Trung Mỹ, giáo sư khoa học chính trị Panama Carlos Guevara-Mann thuộc Đại học bang Florida nói. Người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ hưởng lợi khi phải trả ít hơn cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước láng giềng.
Ông Nicolas Ardito Barletta nhận định: “Sự mở rộng của kênh đào Panama sẽ làm tăng đáng kể thương mại thế giới. Tàu lớn hơn có thể đi qua đây và điều này sẽ làm giảm chi phí giao dịch, hậu cần”.
Đến nay, Mỹ là khách hàng lớn nhất của kênh đào khi vận chuyển 160 triệu tấn hàng hóa qua đây mỗi năm. Trung Quốc là khách hàng lớn thứ nhì, với 48 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển. Sau hai cường quốc kinh tế là Chile với 29 triệu tấn và Nhật Bản với 22 triệu tấn. Nước Panama kỳ vọng họ sẽ tăng gấp ba lần con số doanh thu 1 tỉ USD có được từ phí vận chuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.