Kênh liên lạc giữa ông Tập và ông Trump

06/02/2017 11:01 GMT+7

Ban cố vấn tại một trường đại học ở Bắc Kinh, với nhiều thành viên “tai to mặt lớn” của Mỹ và Trung Quốc, được cho là kênh liên lạc “cửa sau” của lãnh đạo hai nước.

Từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề có cuộc điện đàm nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không những thế, chủ nhân Nhà Trắng còn nhiều lần mạnh mẽ chỉ trích các chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía sau đó là sự tồn tại của một kênh bí mật giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà ít người biết đến.
Đội hình “siêu sao”
Trung - Mỹ sẵn sàng đàm phán cấp cao
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm với cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump là Michael Flynn hôm 3.2 và bày tỏ hy vọng hợp tác với Mỹ để giải quyết các bất đồng. Theo Đài CRI, ông Dương nhấn mạnh hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung và có rất nhiều tiềm năng hợp tác. Theo bản tóm tắt cuộc điện đàm do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, ông Flynn cho biết chính phủ Mỹ sẵn sàng xử lý các vấn đề nhạy cảm một cách đúng đắn. Ông Flynn cũng nói rằng chính quyền của ông Trump cam kết giữ quan hệ song phương vững chắc và sẵn sàng xúc tiến đàm phán cấp cao với Trung Quốc cũng như hợp tác hai bên cùng có lợi.
Trang Nikkei Asian Review hôm 3.2 dẫn lời một chuyên gia (không nêu tên) chuyên nghiên cứu về chiến lược kinh tế và chính trị đối ngoại của Trung Quốc cho rằng ông Tập đang dựa rất nhiều vào “cửa sau” này. Đó chính là Ban cố vấn tại Trường Kinh tế và quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, một “mạch nước ngầm” đóng vai trò then chốt về ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, theo chuyên gia giấu tên. Đây cũng chính là ngôi trường ông Tập từng theo học ngành kỹ sư hóa học từ năm 1975 - 1979.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) vào tháng trước, ông Tập đã ăn trưa với Stephen Schwarzman, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn Blackstone. Tập đoàn này có trụ sở tại New York và quản lý quỹ đầu tư hơn 300 tỉ USD. Thế nhưng ít người biết rằng Đại học Thanh Hoa là cầu nối giữa 2 người vì Schwarzman cũng là thành viên ban cố vấn tại đây. Chính Schwarzman đã đóng góp số tiền lớn vào chương trình học bổng thu hút sinh viên Mỹ và nhiều nước khác đến học tại trường.
Theo Nikkei Asian Review, ban cố vấn trên được thành lập từ năm 2000 với sự hậu thuẫn của thủ tướng Trung Quốc, lúc đó là ông Chu Dung Cơ. Trên danh nghĩa chỉ là ban cố vấn của một trường đại học nhưng tổ chức này quy tụ nhiều nhân vật “tai to mặt lớn” trong giới doanh nhân cũng như chính trường. Ông Chu, cũng từng học tại Đại học Thanh Hoa, hiện là chủ tịch danh dự của ban cố vấn. Các thành viên khác gồm nhiều doanh nhân tỉ phú như Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, cựu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Henry Paulson. Ngoài ra còn có Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Lloyd Blankfein, Chủ tịch Ford Motor Mark Fields, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba Jack Ma Yun, Chủ tịch Foxconn Terry Gou và cựu Chủ tịch Sony Nobuyuki Idei.
Bên cạnh đó còn có nhiều quan chức đương nhiệm của Trung Quốc như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn, người được xem là cánh tay phải của ông Tập, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên… Năm ngoái, khi các thành viên nước ngoài của ban này đến Trung Quốc, họ được đón tiếp hết sức trọng thị. Đích thân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh, Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, đón tiếp đoàn.

tin liên quan

Biển Đông dưới thời ông Trump
Động thái của chính quyền Donald Trump về chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang được theo dõi sát sao.
“Cây gậy và củ cà rốt”
Tập đoàn Blackstone của ông Schwarzman rất nổi tiếng ở Trung Quốc, một phần do Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC) đã mua lại gần 10% cổ phần giá 3 tỉ USD vào năm 2007. Khi đó lãnh đạo CIC là Lâu Kế Vĩ, người sau đó giữ chức Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho đến tháng 11.2016. Ngoài vai trò thành viên ban cố vấn tại Đại học Thanh Hoa, ông Schwarzman cũng là Chủ tịch Diễn đàn chiến lược và chính sách của ông Trump.
Một số thành viên ban cố vấn cũng đồng thời là thành viên diễn đàn của ông Trump, trong đó có Chủ tịch Tập đoàn General Motors Mary Barra và Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon. Sau cuộc gặp với ông Tập tại Davos, ông Schwarzman tuyên bố rằng chủ tịch Trung Quốc chắc chắn muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và ông Tập tỏ ra “rất tích cực về quan hệ lâu dài giữa hai nước”.
Theo Nikkei Asian Review, ông Trump được đánh giá là sẽ dùng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”, vừa gây áp lực vừa đối thoại với Trung Quốc và dường như ông Tập coi Schwarzman là nhân vật chính trong các cuộc đối thoại sắp đến. Với chính sách “nước đôi” của mình, bên cạnh việc trọng dụng ông Schwarzman để đàm phán với Trung Quốc, ông Trump đã bổ nhiệm ông Peter Navarro làm người đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia.
Ông Navarro nổi tiếng với những chỉ trích đối với Trung Quốc và là tác giả cuốn Death by China (tạm dịch: Chết dưới tay Trung Quốc), trong đó khẳng định việc mua sản phẩm của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc trợ giúp tài chính cho nước này phát triển quân sự. Hội đồng Thương mại quốc gia nhiều khả năng sẽ là đầu tàu trong việc gây áp lực lên Trung Quốc về thương mại. Trong khi đó, vai trò của Diễn đàn chiến lược và chính sách trong quan hệ với Bắc Kinh vẫn còn là một ẩn số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.