"Binh đoàn thuyền nan"
Năm 1965, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch đánh phá dữ dội miền Bắc nhằm phá hủy các tuyến giao thông huyết mạch, cắt đứt con đường chi viện vũ khí, lương thực từ miền bắc vào nam. Một lần nữa, kênh nhà Lê lại được khôi phục và đảm trách vai trò là tuyến giao thông thủy nội địa lợi hại để nối liền mạch tiếp viện vào nam.
Đợt nạo vét quy mô lớn hệ thống kênh nhà Lê từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện. Công trình khởi công vào ngày 25.9.1965, huy động hàng ngàn dân công ở các địa phương có kênh chảy qua cùng phương tiện máy móc đồng loạt thực hiện đợt nạo vét kênh quy mô lớn. Đến ngày 14.1.1966, Hội đồng Chính phủ thành lập Ban khai thác kênh nhà Lê, gọi tắt là Ban KT66, trực thuộc Cục Vận tải đường sông. Ban KT66 vừa chỉ huy các lực lượng nạo vét kênh, tổ chức vận tải, vừa trực tiếp bắn máy bay địch và rà phá bom mìn từ trường bảo đảm tuyến giao thông đường thủy nội địa được thông suốt.
Sau khi được nạo vét, tàu thuyền vận tải với trọng tải 15 tấn có thể dễ dàng qua lại trên tuyến kênh này. Để bảo đảm an toàn cho dòng kênh, ta đã thành lập 3 đại đội thanh niên xung phong với tổng số gần 1.000 đội viên nam, nữ được tại các khúc kênh quan trọng để sẵn sàng khơi dòng khi bị không quân Mỹ đánh phá.
|
Khi phát hiện ra tuyến đường vận tải lợi hại này, Mỹ đã cho máy bom ném bom từ trường để phong tỏa, phá hoại. Thanh Hóa với các trọng điểm như cầu Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép… trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, khiến việc vận tải hàng hóa phục vụ chiến trường miền nam bị ách tắc tại đây. Nhà văn Kiều Vượng, Trưởng văn phòng đại diện Báo Văn Nghệ tại khu vực Bắc Trung bộ (khi đó nằm trong Ban chỉ huy Đoàn thuyền nan Lam Sơn), cho biết: “Sau chiến dịch đánh bẻ gãy cán gáo của Mỹ, toàn bộ tuyến đường sắt, đường bộ vào nam gần như bị tê liệt. Chính vì vậy, tuyến kênh nhà Lê đã trở thành con đường huyết mạch để miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam. Và trong hoàn cảnh ấy, một đơn vị vận tải vô cùng độc đáo nhưng lại rất hiệu quả đã ra đời. Đó là đơn vị vận tải thuyền nan Thanh Hóa…”.
Được biết, thời điểm đó, Thanh Hóa được Trung ương giao nhiệm vụ vận chuyển một khối lượng hàng hóa khổng lồ vào miền nam trong điều kiện phương tiện vận tải thiếu thốn. Bên cạnh các phương tiện vận tải khác, Thanh Hóa đã mở 3 công trường, huy động 1.600 cụ ông có tay nghề giỏi để đan thuyền nan. Chỉ trong thời gian ngắn, một “binh đoàn” thuyền nan ra đời với 5.000 chiếc thuyền nan vận tải. Do được cải tiến, tăng độ lớn hơn so với những thuyền nan truyền thống, nên mỗi thuyền nan phục vụ chiến trường thường phải do 2 thanh niên xung phong điều khiển và có khả năng chở tới 3,5 tấn hàng. Từ Thanh Hóa, hàng vạn tấn hàng hóa phục vụ chiến trường miền nam được thanh niên xung phong dùng thuyền nan chở trên dòng kênh nhà Lê vượt hàng trăm cây số từ Thanh Hóa vào tập kết tại khu vực đền Củi (Hà Tĩnh). Rồi từ đây, những tấn hàng được các đơn vị vận tải chở ngược lên đường Trường Sơn hoặc sang Lào để phục vụ kháng chiến.
Trong giai đoạn từ năm 1965 - 1968, ngành giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa vận chuyển vào chiến trường hàng triệu tấn hàng hóa, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng thuyền nan trên dòng kênh nhà Lê huyền thoại. “Bấy giờ trên dòng kênh nhà Lê, ngoài lực lượng thuyền nan còn có đoàn thuyền ván K66 và thuyền vận tải của Công ty vận tải đường sông biển Thanh Hóa hoạt động tấp nập ngày đêm. Và chính trên dòng kênh ấy, hàng ngàn người đã ngã xuống, trong đó chỉ riêng lực lượng của ngành giao thông vận tải Thanh Hóa đã lên tới trên 1.000 người. Những người như chúng tôi sống được qua những ngày bom đạn trên tuyến kênh nhà Lê cũng là điều kỳ lạ…” - nhà văn Kiều Vượng nhớ lại.
Từ một dòng kênh cổ, phục vụ công cuộc bảo vệ và mở mang lãnh thổ của các triều đại phong kiến đến tận thế kỷ 20, dòng kênh ấy vẫn vô cùng hữu ích và đã làm tròn sứ mệnh phục vụ mục tiêu quốc phòng ngay cả trong chiến tranh hiện đại.
Cần được công nhận di tích
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL Nghệ An, đánh giá kênh nhà Lê là công trình vĩ đại của lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài của Lê Hoàn. Mặc dù đã hơn một ngàn năm kể từ ngày khởi đào, nhưng đến nay hệ thống kênh này vẫn phát huy nhiều tác dụng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Khởi đầu, ngoài việc phục vụ nhà vua đi kinh lý, vận chuyển quân lương, kênh nhà Lê qua nhiều triều đại phong kiến đã phát huy giá trị sử dụng cho mục đích giao thông, phát triển nông nghiệp, quân sự. Ngoài ra, hệ thống kênh này còn có giá trị về mặt phong thủy.
Thế nhưng, theo ông Nam, điều đáng tiếc là đến nay, kênh nhà Lê chỉ dừng ở mức kiểm kê hiện trạng phổ thông ở một số đoạn tiêu biểu, chưa thực hiện việc kiểm kê khoa học, mặc dù ngành văn hóa địa phương đã nhiều lần đề nghị. Ông Nam cũng cho biết ba năm trước, khi tỉnh Nghệ An cho xây dựng khu công nghiệp Hoàng Mai ở địa đầu tỉnh thuộc H.Quỳnh Lưu, giáp Thanh Hóa, nhà đầu tư đã định lấp một số đoạn kênh nhà Lê chảy qua, Phòng Quản lý di sản nghe tin chạy ra kiểm tra và sau đó đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho thay đổi thiết kế, không thực hiện việc kè đá hai bên bờ kênh và xâm hại đến cảnh quan, hiện trạng của dòng kênh này. Sau đó, đề nghị này mới được thực hiện.
Hiện nay, hệ thống kênh đang được nhiều đơn vị quản lý, khai thác, gồm ngành thủy lợi, giao thông, văn hóa và các địa phương nơi kênh chảy qua. Thế nhưng, khai thác là chủ yếu chứ quản lý, bảo vệ thì chưa được đơn vị nào được giao cụ thể. “Tôi nghĩ, Bộ VH-TT-DL cần sớm cho lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử kênh nhà Lê để có phương án bảo vệ, vì đây là di tích rất có giá trị”, ông Nam nói.
Ngọc Minh - Khánh Hoan
>> Đưa công nghệ nano vào bảo quản di tích tháp Chăm
>> Khai quật Khu di tích Gò Tháp
>> Chấn chỉnh cảnh quan trước di tích quốc gia
>> Dựng phim 3D về khu di tích nhà lao Hội An
Bình luận (0)