Một người bạn kể cho tôi nghe chuyện đã hết hồn khi chứng kiến bọn trẻ con đi lên cầu thi nhau nhảy lao đầu xuống sông, chỗ rất nhiều cọc đóng lởm chởm.
Tôi cũng từng hết hồn khi nhìn thấy mấy cậu bé thi nhau đứa nào dũng cảm hơn bằng cách đua đi nhanh và xa nhất dọc bờ thành rìa sân thượng chung cư cao tầng.
Nghỉ hè, không phải đến trường nữa, rất nhiều đứa trẻ phấn khích "hưởng thụ tự do" bằng hàng trăm cách cực kỳ nguy hiểm. Bố mẹ lo mưu sinh. Chẳng có tổ chức nào có thể đủ nhân lực để trông coi bảo vệ chúng. Thật khó.
Nhưng những trò nghịch dại ấy dù sao cũng diễn ra không chỗ này cũng chỗ kia, không người này thì người khác - như tôi và bạn tôi - nhìn thấy. Nếu không thể can ngăn chúng (vì có thể nhìn thấy nhưng đang di chuyển chẳng hạn, hoặc không thể vào khu vực đó), cũng có thể báo động để những người khác gần hơn can thiệp.
Bây giờ hãy mở rộng ra: Không chỉ chuyện trẻ con, mà có bao nguy hiểm dân sinh chúng ta có thể tình cờ bắt gặp hoặc phát hiện, cần có sự can thiệp ngay: To thì bạn thấy chỗ đập hay đê bị lở, lún, sụt. Nhỏ thì bạn thấy cái cây to bị mục ruỗng ở ngay trên phố, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Bạn cũng có thể thấy chiếc xe tải chở đầy bình khí gas mà thành xe không chằng buộc kỹ. Hay bắt gặp người ta đang dùng hóa chất tẩy thịt thối để đem đi bán ở một nơi nào đó... Đa số các trường hợp này ngăn chặn không dễ như khuyên bảo mấy em nhỏ. Bạn cần thông tin để người có thẩm quyền và năng lực biết. Nhưng bạn không biết thông tin về đâu, cho ai. Và bạn không chắc sau khi bạn báo động người ta có lưu ý xử lý không.
Tôi nghĩ cần có một kênh truyền thông để mọi người nhìn thấy những cảnh như thế thì gọi về số điện thoại của kênh (có phần giống như khi họ vẫn thông tin về tình trạng giao thông). Sau đó kênh sẽ phát trên sóng để các cơ quan có trách nhiệm hoặc cộng đồng can thiệp. Trường hợp trẻ nghịch dại thì thông tin sẽ đến với cảnh sát khu vực, bảo vệ, người dân trong cùng chung cư... Vụ việc, hiện tượng lớn hơn sẽ đến với những đơn vị chịu trách nhiệm trước xã hội về lĩnh vực này. Và dĩ nhiên, càng đông đảo người dân (không chỉ đơn vị có trách nhiệm) biết thì càng có điều kiện để chung tay ngăn chặn, khắc phục nguy hiểm, hay giám sát việc ngăn chặn khắc phục.
Đó có thể là kênh truyền thông kết nối rất nhiều loại hình truyền dẫn khác nhau (phát thanh, phát thanh có hình, mạng, mobile...) mà thông tín viên, phóng viên, thậm chí MC thực hiện truyền trực tiếp từ hiện trường... là nhiều vạn, là cả triệu người dân.
Sau khi có một kênh như thế, chắc chắn nhiều ngành, nhiều đơn vị sẽ theo dõi để thu nhận thông tin và khi cần thiết sẽ triển khai việc ngăn chặn nguy hiểm qua mạng lưới của mình. Đó có thể là các cấp chính quyền, là lực lượng cảnh sát, cứu hỏa. Có thể là các đơn vị kiểm tra an toàn thực phẩm. Có thể là các tổ chức xã hội, từ Chữ thập đỏ, các tổ chức của Đoàn thanh niên. Và có thể là những người dân gần nhất…
Khi đó không còn là một mạng truyền thông nữa, mà là một mạng lưới bảo vệ an toàn cho đời sống hằng ngày của người dân, với sự tham gia trước hết của chính người dân, và của một loạt các hệ thống đang có trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
Một kênh truyền thông như thế khiến mọi người có thói quen vì nhau, kết nối khu vực xã hội dân sự và nhà nước để bảo đảm an toàn dân sinh.
Bình luận (0)