"Dụ" khách tiêu tiền
Theo kết quả từ cuộc khảo sát của Tổ chức InterNations - mạng lưới lớn nhất thế giới dành cho những người sinh sống và làm việc tại nước ngoài, VN là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có chi phí, mức sinh hoạt rẻ nhất dành cho người nước ngoài. Dẫn đầu danh sách là Ukraine, Thái Lan xếp thứ 2 với giá cả thực phẩm, phương tiện đi lại đều ở mức trung bình so với các quốc gia phương Tây. Tiếp theo là Đài Loan với vị trí thứ 3. VN xếp thứ 4, ngay trước quốc gia vùng Bắc Mỹ - Mexico.
Cũng mới đây, TP.HCM được công bố xếp thứ 14 trong danh sách 19 điểm du lịch có chi phí thấp nhất thế giới, theo thông tin mà trang web trung chuyển sân bay Hoppa công bố. Theo đó, chi phí trung bình để sử dụng các dịch vụ ở TP này là 65,76 USD/người (1,537 triệu đồng). Chi phí này dựa trên giá dịch vụ trung bình của một khách sạn cho 2 người, bữa ăn dành cho 2 người, 1 chai rượu vang, hành trình 3 km taxi, 1 tách cà phê, cocktail và khoảng nửa lít bia. Đứng đầu danh sách là TP.Sofia của Bulgaria với chi phí du lịch trung bình 47,69 USD/người (khoảng 1,08 triệu đồng).
Chi phí là mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch trước khi chọn cho mình một điểm đến thích hợp. Việc liên tục có mặt trong danh sách những điểm du lịch có chi phí thấp nhất thế giới là một trong những lợi thế để VN thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Trung Lương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, chúng ta không nên "vội mừng" vì điều này. Theo ông, bệnh thành tích đang khiến du lịch VN chạy theo số lượng, tự hào về số lượng mà quên đi việc tập trung phát triển “chất lượng”. “Quan trọng không phải tổng hợp lượt khách đến, khách đi mà phải chú ý tới chỉ số ngày lưu trú trung bình của mỗi lượt khách là bao lâu, trong những ngày lưu trú này, mức chi phí mà họ bỏ ra là bao nhiêu. Rồi lượng khách vào như vậy tạo thêm được bao nhiêu việc làm cho xã hội. Đấy mới là 3 chỉ số chính quyết định đến chất lượng tăng trưởng mà ngành du lịch nước ta cần hướng tới” - ông nói.
Cho rằng việc VN liên tục vào top những điểm du lịch có chi phí rẻ nhất thế giới là một lợi thế với thị trường khách có thu nhập thấp, tuy nhiên, chuyên gia về du lịch Nguyễn Tuấn Quyền phân tích, chi phí rẻ không phải là một lợi thế vượt trội trong việc thu hút khách du lịch mà cần phải có thêm nhiều yếu tố khác như: thủ tục đơn giản, điểm đến hấp dẫn, quảng bá tốt, môi trường an toàn, thân thiện... “Trong kinh doanh du lịch, giá rẻ là một lợi thế để thực hiện nguyên tắc đầu tiên là kéo khách vào. Nhưng khi khách đã vào rồi, vấn đề làm sao để “dụ” khách ở lại và xài tiền thì VN ta còn dở trong khi các nước láng giềng như Thái Lan làm rất tốt” - vị này nói.
Là người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc Công ty du lịch Nexus, lại cho rằng việc nổi tiếng về “chi phí rẻ” không phải là lợi thế. Trái lại, nó còn có khả năng gây khó khăn cho du lịch nước nhà vì "có thể tạo nên cái nhìn lệch lạc cho khách du lịch, tạo tâm lý “tiền nào của đó”, khiến khách du lịch không đánh giá cao về chất lượng dịch vụ du lịch nước ta". Theo ông Nguyễn Tử Anh, điều này cũng định vị du lịch nước ta ở hạng bình dân, khó thu hút tầng lớp khách có tiền, khách có tiềm năng. "Các điểm du lịch nên định vị chất lượng một cách rõ ràng. Định vị từng vùng, đâu là khu du lịch cao cấp, đâu là điểm du lịch bình dân, tránh trường hợp “gom hết tất cả các loại khách” như hiện nay. Những khu du lịch định vị cao cấp cần có đầu tư một cách chỉn chu sao cho phù hợp với đối tượng khách đẳng cấp. Điều này đất nước láng giềng Thái Lan đã làm rất tốt", ông Nguyễn Tử Anh đề xuất.
Chi phí rẻ vì không có gì để tiêu
Số liệu khảo sát cho thấy, chi tiêu bình quân của một lượt khách có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú tại VN rất khiêm tốn và phần lớn chi phí này chỉ là để thuê khách sạn và ăn uống, còn 2 thành phần khác có thể gia tăng mức chi tiêu tốt nhất trong cơ cấu chi tiêu của du khách là mua sắm và vui chơi giải trí chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, có đến 33,14% là tiền thuê phòng, chi cho ăn uống chiếm 23,74%, chi mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi cho vui chơi giải trí chiếm 3,56%, chi khác chiếm 3,79%. Làm thế nào để du khách "móc hầu bao" vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp đối với du lịch trong nước từ giải trí, mua sắm, đồ lưu niệm...
Trong khi đó, các nước láng giềng làm rất tốt việc này. Đơn cử tại các sở thú nổi tiếng ở Singapore như Night Safari, Singapore Zoo thì thú thật và thú nhồi bông cùng song hành. Hầu hết các loại thú có mặt ở đây đều được “nhồi bông” bày bán với số lượng cửa hiệu dày đặc. Thú nhồi bông chất lượng tốt, mẫu mã đẹp dù giá không hề rẻ (từ 500.000 - 3 triệu đồng tùy loại) nhưng khách hàng vẫn không ngại "móc hầu bao", nhất là các gia đình có con nhỏ đi cùng. Tâm lý đi du lịch phải mua quà lưu niệm được các nước khai thác triệt để với rất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng chúng ta lại hầu như bỏ qua vấn đề này.
“TP.HCM cần “tạo điều kiện” cho khách xài tiền như kéo dài hoạt động về đêm ở các khu vui chơi giải trí, tăng cường các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch mới thu hút khách, tăng cường liên kết vùng vì thực tế điểm đến du lịch của thành phố không nhiều” - chuyên gia Nguyễn Tuấn Quyền nhấn mạnh.
Chi phí rẻ là lợi thế để kéo khách đến nhưng làm thế nào để khách chi tiêu nhiều hơn là vấn đề mà ngành du lịch nghiên cứu thực hiện.
Bình luận (0)