Từ cao cấp rớt xuống bình dân
Khởi đầu của thương hiệu du lịch Mũi Né gồm những rerort cao cấp, phòng ốc sang trọng sát bờ biển trong lành và đón khách Tây. Tuy nhiên, hiện nay Mũi Né chỉ chủ yếu đón khách Nga và Trung Quốc. Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình (cũng là người trực tiếp điều hành Mũi Né Little resort) cho biết: “Ngày xưa toàn khách cao cấp nhưng bây giờ không còn nữa. Cái chính là do chính sách phát triển du lịch không theo kịp thực tế phát triển của Mũi Né. Cũng là phòng ốc của resort ngày xưa, nhưng giờ chỉ bán với giá 600.000 đồng thay vì gấp đôi như trước đây. Giá thấp, thì dịch vụ kéo theo không thể đạt chất lượng cao cấp được”.
Cũng theo ông Bình, thương hiệu của Mũi Né trước đây được biết đến với gần 200 resort. “Nhưng bây giờ, các nhà nghỉ mọc lên như nấm ngay cổng resort, đón toàn khách ở với giá rẻ. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải xây thêm phòng trong resort”- ông Bình nói.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM), thẳng thắn: “Nếu chỉ dành riêng cho dòng khách bình dân thì phá hỏng thương hiệu của Mũi Né. Đây chính là lý do vì sao dòng khách Tây cao cấp chuyên nghỉ dưỡng không đến đây nữa. Tôi nghĩ, đã nói đến Mũi Né là phải nghỉ dưỡng cao cấp, yên bình chứ không thể có chuyện resort mà có karaoke, ăn nhậu bãi biển hát hò um sùm. Cái đó để cho các khu du lịch dã ngoại đảm nhiệm. Tôi thấy Mũi Né hiện đang bình dân hóa resort, cái này sai về định hướng chính sách”.
|
Chuyển hướng sang thể thao biển
Theo quy hoạch của Bình Thuận, đến năm 2020, Mũi Né trở thành Trung tâm thể thao du lịch biển. Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận Ngô Minh Chính cho rằng ngoài yếu tố truyền thống là nghỉ dưỡng thì giờ đây Mũi Né cần phát triển thành trung tâm thể thao biển. “Từ nay, tất cả các dự án du lịch nghỉ dưỡng của Mũi Né sẽ phải gắn thêm chức năng thể thao biển. Cái này đã được phê duyệt quy hoạch và sẽ trở thành chức năng chính cho du lịch Mũi Né”, ông Chính nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, ngoài nghỉ dưỡng, Mũi Né có sức thu hút các môn thể thao biển như lướt ván buồm, ván diều và từng tổ chức lễ hội thuyền buồm quốc tế thành công. Như vậy du lịch Mũi Né đi theo hướng nào? Tiếp tục nâng chất lượng của du lịch nghỉ dưỡng (vốn truyền thống) hay chuyển sang đầu tư du lịch thể thao biển? Theo TS Lê Thanh Minh, Giám đốc Công ty CP phát triển du lịch Hòn Rơm (Bình Thuận) đã nói đến Mũi Né, người ta phải nghĩ ngay đến những bãi biển xanh, trải dài theo triền cát. Trên bờ là những rặng dừa, dưới cái nắng, cái gió và dĩ nhiên phải được ăn hải sản tươi sống. “Tôi nghĩ phải giữ cho được thương hiệu thủ đô resort. Cái này nhiều nơi có tiền cũng không mua được. Nếu mất nó thì coi như mất thương hiệu”.
Cũng theo TS Minh, thực ra thể thao biển chỉ là hoạt động lồng ghép trong du lịch biển, kết hợp nghỉ dưỡng bấy lâu nay của Mũi Né. “Việc xem thể thao biển là trọng điểm của du lịch Bình Thuận sẽ làm mất cân bằng trong các lợi ích về tiềm năng du lịch Mũi Né. Nó đi sai với tôn chỉ mục đích của du lịch Mũi Né là phát triển du lịch bền vững”, TS Minh nhận định.
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL Bình Thuận, năm 2016, toàn tỉnh
đón khoảng 4.5 triệu lượt khách (đạt 102,5%; tăng 8,8% so với cùng kỳ).
Trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 503.000 lượt (đạt 105%, tăng 11,2%
so với cùng kỳ), doanh thu ước đạt 9.000 tỉ đồng. Khách quốc tế chủ yếu
đến từ Trung Quốc (24,35%), Nga (21,61%), Hàn Quốc (8,29%), Đức
(6,41%), Thái Lan (5,71%), Anh (3,74%)… Toàn tỉnh hiện có 424 cơ sở lưu
trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 13.190 phòng. Đã xếp hạng 225
cơ sở lưu trú với 9.071 phòng (5 sao có 3 cơ sở với 348 phòng, 4 sao có
28 cơ sở với 3.142 phòng, 3 sao có 18 cơ sở với 1.379 phòng, 2 sao có
33 cơ sở với 1.427 phòng, 1 sao có 37 cơ sở với 852 phòng, nhà nghỉ du
lịch có 67 cơ sở với 1.332 phòng, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê
có 39 cơ sở với 591 phòng); 199 cơ sở lưu trú du lịch chưa xếp hạng với
4.199 phòng. Phấn đấu năm 2017, toàn tỉnh đón khoảng 5.1 triệu lượt
khách du lịch; trong đó khách quốc tế chiếm hơn 563.000 lượt. Tổng doanh
thu đạt 10.800 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)