Bà nội trợ chi thêm 15 - 35% tiền để có nồi canh như trước
Chị Trương Ngọc Ánh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay gia đình ít người nên đôi khi 1 - 2 tháng mới đi chợ một lần vào dịp cuối tuần. Còn lại trong tuần, khi cần bó rau, trái bí hay vỉ thịt xay, chị thường tạt qua các cửa hàng tiện lợi Co.op Smile hoặc WinMart để mua về nấu ngay. "Cuối tuần vừa qua, tôi đi chợ Ông Hoàng, mua thịt, tôm, cá, trứng và rau củ cho tuần này, mới hay giá các mặt hàng rau củ tăng đồng loạt, không loại trừ món nào. Tăng mạnh nhất là cà chua, loại thường trước 20.000 - 22.000 đồng/kg, nay lên đến 50.000 đồng/kg; cà chua ngon tăng tới 70.000 - 80.000 đồng/kg. Cải bó xôi, cải bắp, rau dền… cũng tăng, đặc biệt rau Đà Lạt, một gói cải bó xôi nấu canh mà có giá 60.000 đồng, trong khi trước chỉ tầm 35.000 đồng/bó", chị Ngọc Ánh cho biết.
Ngay các mặt hàng hóa mỹ phẩm từ nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén… theo phản ánh của các bà nội trợ cũng tăng 10 - 15%. Chị Thùy Châu (ngụ Q.12, TP.HCM) thông tin bịch nước giặt OMO Matic sau tết mua 180.000 đồng, nay tại tiệm tạp hóa gần nhà, giá bán lên 192.000 đồng. Đáng nói, hộp cà phê sữa đá hòa tan, trước khoảng 42.000 - 43.000 đồng/hộp 10 gói, nay lên 60.000 đồng/hộp. "Giá cứ âm thầm tăng hồi nào không hay", chị Châu nói.
Theo tính toán của các bà nội trợ, giá các mặt hàng rau củ so với đầu năm tăng 15 - 35%, các mặt hàng thịt cá tăng từ 10 - 20%, tương đương tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Chẳng hạn, thịt bò phi lê bán tại chợ từ 260.000 đồng/kg, nay 280.000 đồng/kg; cá bớp trước từ 270.000 - 280.000 đồng/kg, ngày 23.5, chị Châu cho biết mua với giá 300.000 đồng/kg. "Cứ hình dung thế này, rau để nấu nồi canh trước chỉ cần 20.000 - 30.000 đồng, nay với lượng rau tương đương, phải trả khoảng 40.000 đồng mới đủ", chị Nguyễn Hoàng (ngụ Q.3) nói.
Một nhà cung cấp rau củ quả lớn từ Đà Lạt về TP.HCM và các tỉnh miền Tây - bà Nguyễn Thị Hiếu, phân trần do bắt đầu vào mùa mưa, nên giá nhiều mặt hàng rau quả tăng mạnh. Thậm chí nhiều ngày không đủ hàng để cung cấp về cho các chợ đầu mối, khan hiếm nên đẩy giá tăng. Riêng mặt hàng cà chua, trong tháng 5 mua mỗi tuần 1 giá, tuần sau tăng hơn tuần trước 4.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí có ngày tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg. "Mới đầu mùa mưa, nhưng tình trạng khan hàng đột ngột đã xảy ra, khiến giá cả một số mặt hàng biến động trong ngắn hạn. Tính từ đầu năm đến nay, trung bình giá rau củ quả tăng 10 - 20%, có loại tăng 25%...", bà Hiếu cho biết.
Đại diện chuỗi siêu thị tại TP.HCM thừa nhận đa số các nhà cung cấp rau quả đều báo tăng giá từ 10 - 15%. Tuy nhiên, do đã ký kết làm việc từ đầu năm, giá mua bao tiêu, nên hệ thống vẫn giữ được giá bán không biến động. Riêng nhóm hàng thực phẩm công nghệ, có nơi tăng đến 20%. Tuy nhiên, nguồn hàng đưa vào siêu thị phong phú, người tiêu dùng vẫn còn nhiều sự lựa chọn, tránh tối đa ảnh hưởng đến khoản chi tiêu của người dân.
Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods, cũng cho biết giá đầu vào các mặt hàng lương thực tăng mạnh, mức tăng khoảng 10 - 15% khiến giá thành các mặt hàng bún, bánh, phở… đều tăng. Tuy nhiên, giá bán không thể tăng do đa số đều ký kết với bên mua từ trước, nên khó thay đổi lúc này. Trong mấy tháng tới, tình hình giá điện, xăng tăng, giá bán mới có thể bị "thẩm thấu" tăng theo.
Bán lẻ giảm hết cỡ
Một khảo sát mới đây của Kantar Việt Nam cho thấy trong quý đầu năm, thị trường tăng trưởng âm, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu thận trọng. Riêng tại TP.HCM, 4 tháng đầu năm nay, sức mua của thị trường vẫn duy trì nhưng thấp hơn mức tiềm năng. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng quy mô chỉ tương đương cùng kỳ năm 2022.
Thông tin đến Thanh Niên, nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại cho biết đã và đang tung chương trình khuyến mãi giảm giá "hết cỡ" để kéo người tiêu dùng "siêng" mua sắm hơn. Nổi bật trong nửa cuối tháng 5 này là chương trình khuyến mãi "deal hết cỡ" của hệ thống Saigon Co.op (bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, Sense Market) trên toàn quốc. Hơn 1.000 mặt hàng đặc trưng mùa hè được giảm giá đến 50% chủ yếu là thực phẩm, nước trái cây, nước ép, nước giải khát; trái cây nhiệt đới; hóa mỹ phẩm, áo quần… "Sức mua hiện nay rất thấp, vì vậy nhà phân phối và nhà cung cấp phải cùng nhau phối hợp để giảm giá sâu, kích thích tiêu dùng. Chúng tôi thực hiện khuyến mãi một số nhóm hàng giảm tới 30 - 40%, mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1… để kích cầu", đại diện Saigon Co.op chia sẻ.
Tương tự, đại diện WinCommerce (đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart+/Win) cho biết, hệ thống này triển khai 2 kỳ khuyến mãi áp dụng từ ngày 9 - 22.5 và 23.5 - 5.6 tập trung giảm giá, tặng thêm hàng hóa nhằm kích cầu. Còn hệ thống Lotte Mart cũng tung loạt ưu đãi giảm giá đến 50% nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm, tiêu dùng, thời trang….
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, nhận xét: Hiện nay, tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn là tiết kiệm chi tiêu, do đó việc kích cầu tiêu dùng bằng các chính sách khuyến mãi sẽ giúp tăng nhu cầu mua sắm. 38 siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc của tập đoàn đang triển khai chương trình "Giá luôn luôn rẻ hơn" với hơn 2.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, gia vị, sản phẩm giặt rửa… Nhiều mặt hàng đồ chơi uy tín và an toàn dành cho trẻ được giảm giá lên đến 47%, thời trang trẻ em cũng khuyến mãi lên đến 26% các loại áo thun, quần khaki, đầm, giày, dép...
Để kích cầu, trong nửa cuối năm nay, UBND TP.HCM tung chương trình khuyến mãi tập trung với tổng thời gian lên đến 4 tháng rưỡi, chia ra 2 đợt. Dự kiến, chương trình này sẽ mở rộng sang các tỉnh thành khu vực phía nam. Theo đó, đợt 1 sẽ kéo dài 3 tháng, từ ngày 15.6 - 15.9 nhằm kích cầu mua sắm hè; đợt 2 diễn ra từ ngày 15.11 - 31.12. Trong cả 2 đợt này, thương nhân tham gia được phép áp dụng giảm giá tối đa lên đến 100%. Đây là năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM tổ chức chương trình khuyến mại tập trung và có đợt kéo dài đến 3 tháng thay vì một tháng như thông thường. Cách làm này được duy trì sau khi địa phương tổ chức thành công vào năm ngoái.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng đây là chương trình mang tính lan tỏa, có hiệu ứng tốt và thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối đồng hành. Tâm lý chung của người đi mua hàng là được mua nhiều hàng tốt, giá rẻ. Trong bối cảnh khó khăn, thu nhập giảm, những chương trình khuyến mãi kích cầu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ông lưu ý các nhà phân phối và sản xuất tránh việc tham gia vì phong trào. Kiểu rầm rộ nhưng thiếu tính thực tế, giảm giá những mặt hàng không thiết yếu, đa số người dân chưa có nhu cầu mua thì hiệu ứng của chương trình sẽ giảm.
Phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chương trình khuyến mãi từ trước, trong và sau khi kết thúc để có sự đánh giá đúng thực chất nhu cầu, hiệu quả. Qua đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho các đợt khuyến mãi sau. Quan trọng nhất là đưa đến cho người dùng bao nhiêu hàng hóa, họ hưởng lợi chi tiêu giảm được bao nhiêu tiền. Tất cả cần sự rõ ràng, minh bạch và nhân văn. Chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tốt đối với người dân đi mua sắm.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú
Bình luận (0)