Kép đẹp - NSƯT Võ Minh Lâm say mê diễn tuồng sử Việt

Hoàng Kim
Hoàng Kim
24/10/2024 13:00 GMT+7

Những năm gần đây, chàng kép đẹp Võ Minh Lâm xuất hiện thường xuyên trong các vở cải lương lịch sử, gây ấn tượng rất tốt trong lòng khán giả.

Thật sự cải lương sử Việt là một mảng đáng trân trọng của nghệ thuật mà chỉ những người hết sức tâm huyết mới tham gia nổi trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với NSƯT Võ Minh Lâm về những điều anh thao thức.

Kép đẹp - NSƯT Võ Minh Lâm say mê diễn tuồng sử Việt- Ảnh 1.

NSƯT Võ Minh Lâm vai Minh Mạng, Thy Phương vai Huệ Phi trong vở Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử

ẢNH: H.K

Mới đây, anh diễn vai vua Minh Mạng trong vở Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử được khán giả khen "xuất sắc". Có thể nói anh là người hiếm hoi khắc họa gần như đúng nhất hình ảnh vua Minh Mạng trong sử sách, theo trí tưởng tượng của người dân. Hẳn anh đã đầu tư cho nhân vật rất công phu?

NSƯT Võ Minh Lâm: Tôi đã 3 lần đóng vai vua Minh Mạng. Đầu tiên là vở Lê Công kỳ án do NSƯT Mỹ Hằng đạo diễn năm 2020. Phiên bản kế tiếp là vở Án tử do TFS (Hãng phim Truyền hình TPHCM) sản xuất, vở này đoạt huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2023. Và lần này là vở Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử năm 2024. Tôi nghĩ mình có duyên với nhân vật này, nên mỗi lần nhận vai thì tôi đầu tư khác đi, đặc biệt trong vở Lê Văn Duyệt tôi phải cố gắng tìm cách thể hiện thật mới. Thậm chí tôi đặt may luôn 2 bộ trang phục (30 triệu đồng) sao cho y như các tài liệu sử để thêm phần khắc họa nhân vật chính xác nhất có thể.

Tôi tìm đọc rất nhiều nguồn sử liệu và nghiền ngẫm, tưởng tượng thật kỹ. Bởi đây là vị vua lên ngôi trong hoàn cảnh đặc biệt, khi mà Lê Văn Duyệt trước kia chọn phò tá Hoàng tôn Đán chứ không phải phò tá ông, và xã hội lúc ấy còn nhiều rối ren, bề bộn sau khi vua Gia Long vừa mất, nếu không vững vàng, kiên định, quyết đoán thì không cai quản nổi đất nước. Minh Mạng bị giằng xé giữa những điều không muốn nhưng vẫn phải xuống tay, thậm chí phải gác bỏ tình riêng cho việc quốc gia. Thật sự Minh Mạng lúc nào cũng đầu tư cho đất nước, thậm chí trọng dụng cả những người không kính trọng mình (như Lê Văn Duyệt chẳng hạn) chỉ vì lợi ích chung. Nghĩ kỹ, ông không hạnh phúc, không sung sướng lắm đâu. Tôi phải diễn thế nào để khán giả vừa sợ mà cũng vừa thương, vừa thấu hiểu được Minh Mạng, chứ không thể yêu ghét một chiều. Có những lớp tôi phải dùng cách "diễn ngược tâm lý", là vui thì diễn như giận, mà giận thì lại như vui để che giấu tâm lý thật.

Rõ ràng đây là một vai khó trong hành trang nghệ thuật của anh. Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ có hỗ trợ gì nhiều cho anh không? Đặc biệt lớp diễn "quăng quật" Huệ Phi quá hay, thể hiện những dồn nén, tức giận mà không biết trút vào ai ngoài Huệ Phi gần mình nhất...

- Đúng. Đây quả thật là một vai khó, nhưng tôi rất thích, bởi giúp mình được thử thách thú vị. Đất diễn không nhiều, chỉ xuất hiện trong 3 lớp, mà phải khắc họa được một nhân vật phức tạp. Đạo diễn Hoa Hạ có "bàn tay vàng" khi dựng các vở sử, chị nghĩ ra rất nhiều chiêu thức hỗ trợ cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, vở này chị tập trung chăm chút cho vai Lê Văn Duyệt nhiều hơn, về vai Minh Mạng của tôi chị chỉ phác thảo ý tưởng, đường dây và để tự tôi xoay xở tìm cách thể hiện cụ thể. Nhưng như vậy đã quý lắm rồi. Làm việc với Hoa Hạ tự nhiên mình sẽ thấy "rất khác", yên tâm như một bảo chứng là sẽ có cái để coi, có cái để bàn luận.

Kép đẹp - NSƯT Võ Minh Lâm say mê diễn tuồng sử Việt- Ảnh 2.

NSƯT Võ Minh Lâm vai Lê Thánh Tôn, NSƯT Thoại Mỹ vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Đêm trước ngày hoàng đạo

ẢNH: H.K

Sẵn sàng lãnh cát sê ở mức "phục vụ" để đưa cải lương đến người trẻ

Có vẻ anh rất hứng thú khi diễn tuồng sử Việt? Nhưng thị trường hiện nay tuồng sử vẫn khó bán vé hơn các tuồng màu sắc trong khi công phu tập dợt lại gấp mấy lần. Anh có thấy chạnh lòng?

- Tôi công nhận tập tuồng sử Việt rất khó, bởi phải thuộc thoại răm rắp, không dám dư thiếu chữ nào, không dám "phăng" bởi có nguy cơ sai ý. Chẳng những vậy, còn phải nắm được lời thoại của bạn diễn để tung hứng chính xác, chứ trật một chút là... tiêu luôn. Ai diễn tuồng sử cũng áp lực vô cùng.

Nhưng buồn một nỗi, tập cả tháng trời, mà đôi khi chỉ diễn vài suất. Tôi không nói chuyện thù lao, tôi chỉ tiếc công anh em nghệ sĩ đầu tư cho sử. Mà ngay cả tuồng màu sắc thì cũng không diễn được nhiều như trước nữa. Đó là khó khăn chung của cải lương trước cơn sóng thị trường giải trí có quá nhiều thứ để xem, khán giả trẻ ít tìm tới cải lương trong khi nhà nước vẫn đề cao rằng đó là vốn quý của nghệ thuật dân tộc.

Kép đẹp - NSƯT Võ Minh Lâm say mê diễn tuồng sử Việt- Ảnh 3.

NSƯT Võ Minh Lâm vai Chiêu Văn, NSƯT Tú Sương vai Việt Trúc trong vở Sấm vang dòng Như Nguyệt

ẢNH: H.K

Anh có đề xuất gì để cải lương phát triển?

- Tôi chỉ mong ngành giáo dục thiết kế một số giờ học các làn điệu truyền thống, các em được làm quen thì sau này mới tiếp cận cổ nhạc, cải lương được. Món ăn gì cũng phải làm quen trước. Thứ 2, nhà nước đề cao cải lương thì nên cấp một nguồn kinh phí để mời khán giả trẻ đến xem, coi như đào tạo khán giả tương lai, nếu không chúng ta sẽ không còn người thưởng thức. Tôi sẵn sàng lãnh cát sê ở mức "phục vụ", miễn sao đem tác phẩm đến cho khán giả trẻ.

Các đoàn hát, suất hát hiện nay đều rất ít ỏi, vậy anh thu nhập chủ yếu bằng cách nào?

- Tôi thường được mời hát trong các sự kiện, lễ hội, giới thiệu thương hiệu. Lấy ngắn nuôi dài thôi. Nhưng nghệ sĩ muốn giỏi nghề vẫn phải diễn trong vở dài, vở nghiêm túc, dù thù lao ít đi chăng nữa cũng là hạnh phúc làm nghề, không thể so sánh.

Cảm ơn anh. Chúc anh đạt thêm nhiều thành tựu mới.

NSƯT Võ Minh Lâm đã đóng nhiều vai trong các vở sử Việt như: vai Lý Huệ Tông (vở Dấu ấn giao thời), vai Chiêu Văn hoàng tử (Sấm vang dòng Như Nguyệt), Trần Khánh Dư (Anh hùng bán than), Lê Liêm (Bến nước Ngũ Bồ), Lê Thánh Tôn (Đêm trước ngày hoàng đạo)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.