Theo nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, khởi nguồn dự án này bắt đầu từ tháng 3.2020, khi anh ở TP.HCM và không đi đâu được vì dịch Covid-19. "Phần khác, tôi cũng từng ấp ủ tập nhạc cho thiếu nhi vì cũng khá lâu rồi mình ít viết đề tài này, lại thêm bây giờ có 4 đứa cháu nội, chúng thường nói ông nội dạy hát cho chúng, đó cũng là động lực để sáng tác", anh chia sẻ.
|
Dù vậy, theo anh, thực chất ý tưởng Mười hai con giáp đã có từ năm 2011. "Lúc đó cơ quan cho nghỉ phép 3 tháng để đi Mỹ thăm gia đình, nên tôi lên kế hoạch viết 12 bài hát thiếu nhi về 12 con giáp, để khi qua Mỹ sẽ quay hình các em thiếu nhi Mỹ - Việt. Nhưng vì vừa bận đi làm, vừa không đủ ý tưởng để viết nên đành nhờ bạn Hồ Thu Hà làm thơ để phổ nhạc", anh cho biết.
Vậy là bài Chó con xinh và Mèo mon nho nhỏ ra đời từ lúc đó, cộng thêm những bài khác như: Guốc mộc, Hoa khế, Hương cau, Em vẫn mơ một ngày, Dòng sông nho nhỏ… ra đời cùng lúc, đã thu âm hoàn chỉnh tại TP.HCM, chờ ngày qua Mỹ (hè 2011) quay hình. Nhưng khi đến Mỹ, việc tìm trẻ con để quay hình quá gian nan, anh chẳng quay được bài nào, cuối cùng không thực hiện được...
Tháng 9.2020, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương trở lại Mỹ, dự định làm tiếp Mười hai con giáp trong thời gian ở lại đây, xong việc sẽ về lại Việt Nam. "Không ngờ dịch lại diễn biến phức tạp, nên tôi mắc kẹt đến giờ. Thời gian qua, bên cạnh sáng tác, tôi làm phim karaoke cho những người Việt đã về hưu - họ muốn quay phim để lồng vào karaoke kỷ niệm, sau đó họ dùng để hát với nhau hằng tuần; hướng dẫn dựng phim cho các nhà báo người Việt ở Cali... Nhờ vậy mà tinh thần cũng dễ chịu hơn. Dù thế, bây giờ tôi chờ có vé là bay về Sài Gòn ngay, cách ly bao lâu cũng được", anh thổ lộ.
Bạn làm thơ tới đâu, mình phổ nhạc tới đó
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ thêm: “Cũng may khi qua Mỹ đợt này, tôi mang thêm nhiều thiết bị thu âm, ghi hình, rồi từ đó ngày đêm nghiên cứu thêm những software khác về âm nhạc, đồ hoạ, phim ảnh, miệt mài liên tục mỗi ngày cho quên đi nỗi buồn, nỗi lo những ngày đại dịch".
|
Và để giết thời gian, anh đã mang dự án Mười hai con giáp còn dang dở ra viết - thực hiện tiếp, với sự hỗ trợ của người bạn Hồ Thu Hà. "Bạn làm thơ tới đâu phổ nhạc tới đó, rồi thu âm nháp để trao đổi qua điện thoại, chỉnh sửa... Dù nghĩ đến chuyện tìm thiếu nhi để nhờ thu hát, cả ở Mỹ hay Sài Gòn, nhưng cũng không thể nào tìm ra phương cách phù hợp giữa mùa dịch", tác giả Con đường đến trường nói.
Thế rồi, anh nhớ ra vùng mình ở có ca sĩ Bonneur Trinh, nên đã điện thoại cho cô ấy, hẹn được ngày thu âm và "chúng tôi dự định sẽ quay hình Trinh sau khi thu âm xong, nhưng Trinh cố gắng hát 12 bài trong hơn 3 tiếng đồng hồ, nên cô vừa đuối vừa phờ phạc, đành gác lại chuyện thu hình".
Theo nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, phần hòa âm có sự giúp sức của các nhạc sĩ Cao Tâm (Đà Nẵng), Lê Quang Đạt, Nguyên Bình (TP.HCM), Lê Nghiệp (Nha Trang) nên bài phối phong phú và hoàn thành sớm. Anh cũng dự định khi trở lại TP.HCM sẽ làm tiếp giai đoạn hai là thu âm, quay hình thiếu nhi cho tuyển tập ca khúc Mười hai con giáp.
Các nhạc sĩ/ca sĩ nói gì về tập nhạc Mười hai con giáp?
* Nhạc sĩ Phan Long: Nhằm giúp các con nhận biết một số giống vật kỳ thú, gắn liền với nhóm tuổi 12 năm sinh của các con, chú Phạm Đăng Khương - một nhạc sĩ có tình yêu lớn với trẻ thơ và tài năng đa nhiệm đáng kinh ngạc, không phải dễ gì ai cũng có được, đã vừa sáng tác, vừa thu tiếng, quay hình, biên tập, đạo diễn, dạy hát, sản xuất âm nhạc, tặng các con sản phẩm nghệ thuật tổng hợp giàu tinh thần nhân văn tuyệt vời này. Hy vọng đó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ, ghi dấu son lung linh trong hành trình đi tới tương lai rạng rỡ của các con.
* Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Một món quà rất dễ thương và bổ ích gởi tới các bé thiếu nhi, giúp các bé hiểu và yêu thương các loài vật quanh ta, nhất là những linh vật biểu tượng của 12 con giáp. Bằng những bài hát của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, với lời thơ của Hồ Thu Hà, qua tiếng hát của ca sĩ Bonneur Trinh, cùng những hình ảnh minh họa rất ngộ nghĩnh và sinh động của những con vật trong 12 con giáp, những video clip được dàn dựng công phu sẽ đến với các bé.
* Bác sĩ - ca sĩ Lê Hành: Xây dựng những hình ảnh, giai điệu quê hương đẹp đẽ, chân chất trong lòng trẻ em là một phương pháp cần thiết và hiệu quả để giữ gìn, vun xới tình quê hương dân tộc! Giữ gìn được văn hóa Việt trong lòng thì ở đâu vẫn là người Việt! Còn văn hóa thì còn tất cả!
* Nhạc sĩ Văn Phượng: Ở Quảng Ngãi có câu nói truyền miệng “Muốn ăn thì vào Thạch Trụ (Mộ Đức), muốn… ngụ thì lên Nghĩa Hành”. Ấy vậy mà anh bạn tôi quê gốc thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành lại chẳng chịu “ngụ” mà lang thang cùng trời cuối bể. Chơi với nhạc sĩ Phạm Đăng Khương rất lâu rồi, cảm nhận anh là một người vui tính, cởi mở, hào sảng, hết mình với bạn bè, thích phiêu du… thế nhưng để nói một câu rất ngắn về anh thì nghĩ mãi không ra… “Mười hai con giáp” là đề tài không mới, đã có nhiều văn nghệ sĩ khai thác. Tuy nhiên nhạc sĩ Phạm Đăng Khương có nhiều thuận lợi (nhất là có bà xã hỗ trợ phần lời) để khai thác đề tài này theo một cách riêng và thật sự ý nghĩa. 12 con vật quen thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam sẽ có trong 12 tập nhạc, 12 MV ca nhạc, 12 bài karaoke, 12 bài dạy hát có phần dịch nghĩa nội dung bài hát sang tiếng Anh, góp phần cho các em thiếu nhi ở nước ngoài học tiếng Việt.
|
Bình luận (0)