Kết nối gia đình - nhà trường

09/03/2023 04:13 GMT+7

Những cuộc điện thoại lừa đảo phụ huynh chuyển khoản cả trăm triệu đồng với chiêu trò "con đang cấp cứu" đang gây hoang mang trong dư luận đặt ra nhiều vấn đề về câu chuyện kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Qua lời kể của các phụ huynh là nạn nhân, những kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý của bậc cha mẹ là tình thương con cái.

Chính vì vậy, phụ huynh dễ mất bình tĩnh, thiếu cảnh giác ngay khi nghe thông tin "tình trạng cháu rất nặng, đang làm thủ tục mổ cấp cứu để cứu mạng bé" nên vội vàng chuyển khoản ngay khi được yêu cầu mặc dù số tiền khá lớn mà không cần kiểm chứng qua thông tin đáng tin cậy và gần gũi là nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm.

Hiện nay, việc liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn bao giờ hết. Hầu hết mỗi lớp đều có ít nhất một nhóm trao đổi thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh trên mạng xã hội. Vậy tại sao trong trường hợp cấp bách, giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường không phải là người/nơi đầu tiên phụ huynh nghĩ đến? Phải chăng nhà trường chưa tạo được kênh thông tin chính thức thuận tiện và tức thời giúp phụ huynh có "kỹ năng" liên hệ ngay với trường học trong tình huống khẩn cấp vào thời gian học sinh (HS) đến trường, thực tế là khi giảng dạy giáo viên không thể nghe điện thoại.

Nếu nhà trường thiết lập đường dây nóng, có kênh liên lạc chính thống với số điện thoại và người liên hệ cụ thể, thường xuyên thông báo đến phụ huynh những thông tin cần thiết thì lâu dài sẽ tạo cho phụ huynh thói quen nhà trường là nơi tin cậy để trao gửi thông tin.

Mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh không nên chỉ dừng lại ở việc học và những thông báo thuần túy về hành chính, các khoản phí… mà còn là nơi để chia sẻ, hỗ trợ những vấn đề liên quan đến HS. Thậm chí có trường tư tại TP.HCM đã thông tin thẳng thắn với phụ huynh: từ nhiều năm nay nhà trường luôn có một khoản dự phòng tiền mặt tại mỗi cơ sở để khi HS bị tai nạn cần phải đưa vào bệnh viện thì nhà trường luôn có tiền tạm ứng chi trả ngay chứ không phải chờ đợi vì lý do gì. Mô hình này hẳn không khó thực hiện. Có kênh liên lạc thông suốt, có chuẩn bị chu đáo cho những tình huống xấu và thông tin công khai góp phần xóa những khoảng tối để kẻ gian lợi dụng. Trường học còn được gọi là nhà trường. Dưới "ngôi nhà" này HS không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn được yêu thương, bảo vệ trong khoảng thời gian các em đến trường.

Việc phụ huynh bị lừa đảo còn dấy lên một bức xúc khác là vì sao thông tin cá nhân của phụ huynh, HS lại bị rò rỉ ra bên ngoài dễ dàng như vậy?

Hiện nay các trường học đang nắm rất nhiều thông tin cá nhân của phụ huynh nên nếu không cẩn thận, bằng cách nào đó nguồn dữ liệu này thoát ra bên ngoài sẽ gây nên nhiều hệ lụy cho gia đình HS. Đó là chưa kể còn nhiều hoạt động khác giữa nhà trường và các đơn vị bên ngoài mà ở đó thông tin của HS được chia sẻ một cách công khai. Chính vì vậy, bảo mật thông tin cá nhân của HS và gia đình cũng là điều các trường học cần tính đến trong thời đại của công nghệ và mạng xã hội với nhiều chiêu trò lừa đảo khó lường.

Chiêu trò lừa đảo mới chỉ rộ ở thành phố lớn, nhưng nhà trường cần sớm thông tin, khuyến cáo phụ huynh ở các tỉnh, thành khác, cũng như cơ quan công an cần sớm vào cuộc truy tận nơi, lôi ra ánh sáng những kẻ lừa đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.