Kết quả từ gói 30.000 tỉ đồng

Lê Quân
Lê Quân
30/10/2021 08:36 GMT+7

Gói 30.000 tỉ đồng được xem là cứu tinh của nhiều đối tượng, từ người mua nhà cho đến doanh nghiệp, thị trường bất động sản .

Cho đến hôm nay, chị Nguyễn Thúy Hoa (35 tuổi), quê Thanh Hóa, vẫn không tin được là mình có nhà ở Hà Nội. Cách đây 5 năm, nhờ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, chị Hoa mua được căn chung cư tại H.Gia Lâm, Hà Nội. “Hai vợ chồng đều làm công nhân, thu nhập vừa phải, nếu cứ thẳng băng ra thì chẳng bao giờ nghĩ đến mua được chung cư ở Hà Nội. Nhưng may là có gói 30.000 tỉ đồng, chúng tôi được vay lãi suất thấp nên mới được an cư”, chị Hoa bày tỏ.

Căn nhà ở xã hội vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng khá khang trang của gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa

Lê Quân

Tương tự chị Hoa, anh Phạm Hồng Thắng, nhân viên một doanh nghiệp taxi, cho hay thu nhập của vợ chồng anh cả tháng chưa được 20 triệu đồng. Chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng anh tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng “Với thu nhập này mà vay ngân hàng lãi suất bình thường thì khó lắm. May mắn là có gói 30.000 tỉ đồng nên vợ chồng tôi được ưu đãi vay, mỗi tháng trả một ít, không quá áp lực”, anh Thắng kể. Mua nhà từ năm 2015, đến nay, vợ chồng anh Thắng đã trả được một phần. Anh cho biết quá may mắn khi tiếp cận được gói 30.000 tỉ đồng, vì 2 năm vừa qua, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, công việc của anh cũng bị gián đoạn. Lãi suất của khoản vay thấp, số tiền trả ngân hàng hằng tháng cũng không quá nhiều nên vợ chồng anh vẫn xoay xở được.

Những người lao động ở đô thị như chị Hoa, anh Thắng là 2 trong số những trường hợp được hưởng lợi từ gói 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Gói 30.000 tỉ đồng được đánh giá là cứu tinh, phá băng thị trường bất động sản sau giai đoạn trầm lắng 2011 - 2012.

Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm kết thúc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng là ngày 31.12.2016, doanh số giải ngân đạt 29.679 tỉ đồng. Trong đó, doanh số cho vay với cá nhân là 24.285,2 tỉ đồng (52.778 khách hàng); doanh số cho vay đối với doanh nghiệp là 5.393,8 tỉ đồng, đạt 98,93% số tiền dự kiến của gói. Còn tính đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại còn 14.046,49 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31.12.2016, khoảng 53.000 cá nhân, hộ gia đình đã được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để mua, sửa chữa nhà ở. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm nhà ở có giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu thực, hạn chế sản phẩm bất động sản đầu cơ, giá cả vượt quá mức thu nhập trung bình của người dân. Ngoài ra, chính gói 30.000 tỉ đồng cũng tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản tan băng, thông qua đó người dân có thể mua bán, giao dịch bất động sản thuận lợi, cải thiện điều kiện về chỗ ở. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu.

Bộ Xây dựng đánh giá gói 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP là chính sách đúng đắn, hiệu quả, kịp thời, có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong giai đoạn 2013 - 2016. Các tổ chức quốc tế, trong đó có WB, đánh giá cao về tính hiệu quả, công tác giải ngân tốt và có tỷ lệ nợ xấu thấp (1,15%) hơn so với tỷ lệ nợ xấu nói chung của thị trường bất động sản (khoảng 2%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.