So với Thông tư 58 (năm 2011), trong Thông tư 26, điểm kiểm tra 1 tiết đã được bỏ với số đầu điểm ở từng môn giảm. Môn nhiều nhất chỉ có 6 đầu điểm.
"Có khi nào sướng trước khổ sau?"
Rất nhiều ý kiến, nhất là của học sinh và phụ huynh, đánh giá về Thông tư 26 . Nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng việc bỏ kiểm tra 1 tiết thì sẽ khó mà "gỡ" điểm. Thành Tâm, một học sinh ở Hải Hậu (tỉnh Nam Định), cho rằng: "Có khi nào sướng trước khổ sau? Điểm tổng kết phải lấy điểm thi bù điểm 1 tiết?".
Về phía giáo viên, thầy giáo Khắc Kỳ (tỉnh Hoà Bình), cho biết việc giảm cột điểm này thì giáo viên môn văn sẽ bớt phải chấm các bài kiểm tra của học sinh. Tuy nhiên, thầy cho rằng sẽ vẫn cho học sinh làm bài kiểm tra và nhận xét vì học sinh rất yếu ở khoản này.
Thầy Phạm Anh, giáo viên môn toán tại Đăk Lăk, thì cho rằng bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ độc lập cũng có cái hay. Giáo viên không thể cho điểm tối đa được. Chính vì lý do cộng thêm 0,3 điểm để học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT mà thời gian qua ở nhiều trường, học sinh lớp 12 có điểm quá cao. Áp dụng thông tư mới này sẽ có nhiều điều hay.
|
Giáo viên phải đổi mới cách đánh giá
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết nhiều người chưa hiểu đúng về Thông tư 26. Nhưng lãnh đạo nhà trường, giáo viên hiểu đúng thì sẽ thấy rất hay. Ông rất tâm đắc với thông tư này và cho rằng những thay đổi trong thông tư có định hướng giáo dục, ngầm thay đổi phương pháp đánh giá rất rõ.
Cụ thể, theo Thông tư 26, môn học có từ 35 tiết trở xuống sẽ có 2 đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, 3 đầu điểm đối với môn học từ trên 35 đến 70 tiết và 4 đầu điểm đối với môn học trên 70 tiết. Trong mỗi học kỳ, một môn học có một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm cuối kỳ. Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, giữa kỳ tính hệ số 2 và cuối kỳ tính hệ số 3. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số quy định.
|
Theo ông Phú, chẳng hạn với quy định giảm số đầu điểm thì cần hiểu giảm ghi vào sổ chứ không phải cho điểm một lần vào sổ. Người thầy phải đổi mới cách đánh giá bằng việc dạy học qua dự án, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, thí nghiệm... Sau đó, thầy cô cho kiểm tra tương tác, viết, nhóm, qua mail, Zalo, Facebook, phần mềm 789, online... Sau khi đa dạng nhiều hình thức kiểm tra như vậy, thầy cô mới chọn điểm tốt nhất đưa vào cột điểm cho học trò mình. "Người thầy sẽ thấy sự tiến bộ của học trò, sẽ điều chỉnh tác động của mình đối với học sinh. Trước kia ghi cột điểm không thay đổi. Hiện nay có bao nhiêu lần đánh giá, giáo viên có trách nhiệm với con điểm ghi vô cho học trò", ông Phú nhận xét.
Nói về thông tư này, Phùng Thị Bích Phương, một học sinh lớp 11 tại Hà Nội, cảm xúc: "Quy định này sẽ kết thúc câu nói huyền thoại "Cất sách đi, lấy giấy ra kiểm tra 1 tiết" mà ai đi học cũng từng nhớ đến!".
Bình luận (0)