Kết thúc còn khó hơn bắt đầu

26/01/2013 03:25 GMT+7

Ngày 25.1.2011, cuộc chính biến ở Ai Cập bùng phát và mang lại bước ngoặt mới trong lịch sử nước này. Nó khởi nguồn từ sự kiện tương tự ở Tunisia nổ ra trước đó không lâu. Kết quả cho tới nay ở đây cũng có phần giống như ở Tunisia, nhưng tác động lại khác biệt rất cơ bản và chưa thể dám chắc đến khi nào mới kết thúc.

Sau 2 năm qua, Ai Cập vừa thay đổi rất đáng kể lại vừa thụt lùi cũng rất đáng kể. Những mâu thuẫn dẫn đến chính biến vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Kinh tế khó khăn, đồng bản tệ mất giá, thâm hụt ngân sách vẫn rất lớn, đầu tư nước ngoài và du lịch trượt dốc... Công bằng xã hội hiện vẫn là một trong những khẩu hiệu đấu tranh quyết liệt giữa chính thể mới và phe phản đối.

Diễn biến chính trị, an ninh bên ngoài là một trong những nhân tố khiến tình hình vẫn tiếp tục quyết liệt. Làn sóng chính biến ở Ai Cập, tình hình ở Libya, Syria và mới nhất là cuộc chiến của Pháp tại Mali khiến cả khu vực rung chuyển. Tình hình an ninh và ổn định cũng như các cuộc xung đột khu vực, nội chiến diễn biến theo chiều hướng gia tăng đối đầu. Diễn biến ở Ai Cập còn ảnh hưởng trực tiếp đến những tác nhân quyền lực khác như xung đột Israel - Palestine, tham vọng trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út, tương quan lực lượng trong thế giới Ả Rập và thế giới Hồi giáo, vai trò và ảnh hưởng của Iran... Đối đầu về ý thức hệ giữa đạo Hồi và phương Tây góp phần rất quyết định khiến chính biến ở khu vực, và ở Ai Cập nói riêng, kết thúc còn khó hơn nhiều lúc bắt đầu.

La Phù

>> Thụy Sĩ hoãn giao trả tiền của ông Mubarak cho Ai Cập
>> Ai Cập chính thức thông qua Hiến pháp mới
>> Ai Cập kết thúc 2 vòng trưng cầu dân ý
>> Tòa án Ai Cập ra lệnh xử lại ông Mubarak
>> Tổng công tố Ai Cập từ chức
>> Tòa án Hiến pháp Ai Cập tê liệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.