Kết thúc thi THPT quốc gia: Bộ GD-ĐT khẳng định có tăng độ khó đề thi

28/06/2018 08:30 GMT+7

Chiều qua (27.6), tại cuộc họp báo thông tin sau kỳ thi THPT quốc gia, đại diện Bộ GD-ĐT đã giải đáp bước đầu những băn khoăn xung quanh việc tăng độ khó của đề thi, việc kiểm soát chấm thi để tránh hiện tượng “chấm chặt, chấm lỏng” ở mỗi địa phương.

Khó ở phần phân hóa
PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc dư luận đánh giá đề thi năm nay được phân hóa tốt nhưng khó hơn hẳn so với đề thi năm trước. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, đề thi có vẻ đang hướng tới mục tiêu phục vụ xét tuyển sinh của các trường ĐH tốp đầu hơn là xét tốt nghiệp như bản chất của kỳ thi này.
Trả lời câu hỏi, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng Hội đồng đề thi tuân thủ theo đúng chỉ đạo của ban chỉ đạo thi. Tức là nội dung đề thi của các môn thi, bài thi đều nằm trong nội dung của chương trình lớp 12 và lớp 11, chủ yếu là chương trình lớp 12. Trong các đề thi, tỷ lệ nội dung chương trình lớp 12 chiếm khoảng 80 - 85%, lớp 11 khoảng 15 - 20%. “Như vậy, nội dung không vượt quá chương trình mà các em được học”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cũng khẳng định, cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản và 40% là phần nâng cao. Tuy nhiên, kể cả 40% nâng cao thì vẫn nằm trong nội dung chương trình lớp 12 và lớp 11. Còn lại 60% câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản mà học sinh trung bình cũng dễ dàng làm được.
Đối với các môn, các bài thi, dù là môn thi tự luận (như ngữ văn) hay môn trắc nghiệm đều có 4 cấp độ từ dễ đến khó.
Hội đồng thi cũng tuân thủ theo đúng chỉ đạo của ban chỉ đạo thi, đó là năm 2018 đề thi phải được tăng cường phân hóa. Vì vậy, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. “Xin nhấn mạnh không phải tất cả đề thi là khó hơn mà có một số câu hỏi được tăng độ khó để phân loại thí sinh (TS) khá giỏi”, ông Hồng nói.
Nếu so sánh với năm 2017, độ khó của đề thi tăng lên là điều cũng có thể hiểu được khi nội dung kiến thức được mở rộng ra thêm cả lớp 11. Tuy nhiên, theo ông Hồng, học sinh và nhà trường đã được thông báo điều này từ năm học trước nên không bất ngờ.
Có “lọt đề” trong bài thi khoa học tự nhiên ?
Trả lời thắc mắc về việc vừa kết thúc môn thi vật lý, môn đầu tiên trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, trên mạng đã có đề thi của môn này, trong khi đó quy chế quy định phải thu lại toàn bộ đề thi và giấy nháp của môn thi tổ hợp đầu tiên và môn thi thứ hai trong bài thi tổ hợp, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ đã phối hợp với A83 (Bộ Công an) điều tra về khả năng lọt đề thi nhưng đến thời điểm này cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng.
Trong quy chế thi cho phép TS được mang thiết bị ghi hình, ghi tiếng (không có chức năng phát tín hiệu ra ngoài) vào phòng thi nên rất có thể TS tự do chỉ dự thi 1 môn trong bài thi tổ hợp ra về và có thể đã sử dụng thiết bị thu hình để thu lại hình ảnh đề thi, sau đó đưa lên mạng.
Chấm đề mở ra sao ?
PV Thanh Niên đặt vấn đề về việc Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo, giám sát việc chấm thi thế nào để có kết quả thi công bằng nhất, tránh hiện tượng chấm chặt, chấm lỏng ở các hội đồng thi. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết: “Một trong những điều chỉnh của năm nay, lần đầu tiên làm, đó là nhấn mạnh yêu cầu bảo mật bài thi. Cụ thể, túi đựng bài thi của TS phải được niêm phong bằng tem mỏng chuyên dụng, ngoài chữ ký của cán bộ coi thi và thư ký điểm thi như trước đây thì năm nay yêu cầu phải có họ tên phó điểm, trưởng điểm thi là cán bộ trường ĐH, CĐ. Các chữ ký này phải được đăng ký, rồi chuyển tới chủ tịch hội đồng thi. Một trong những bước phải làm khi tiến hành chấm thi là phải xác định tình trạng niêm phong của các túi đựng bài thi này”.
Về việc chấm thi, với bài thi tự luận (bài thi văn), quy chế quy định: làm phách dù theo phương án 1 vòng hay 2 vòng thì cán bộ làm phách cũng phải được cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Chấm thi phải thực hiện 2 vòng độc lập, mỗi vòng ở 1 phòng khác nhau, đồng thời phải chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi song song với tiến độ chấm thi vòng 1, vòng 2. Năm nay cần lưu ý điểm của bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Đây là một hướng để giúp cho việc phân hóa tốt hơn kết quả bài thi, phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Xung quanh cách ra đề môn ngữ văn năm nay, Thanh Niên nêu vấn đề: “Bộ GD-ĐT sẽ chấm ra sao với những bài làm thể hiện chính kiến và sự phản biện của thí sinh?”. Ông Trinh khẳng định, việc ra đề thi mở đã được tiến hành từ năm 2014 và nguyên tắc đặt ra từ trước đến nay là câu hỏi mở thì đáp án cũng phải mở. Phương án trả lời được cho điểm là câu trả lời phải đưa ra được nội dung, tư tưởng cơ bản mà câu hỏi hướng tới. Những chính kiến, phản biện hay ý tưởng mới của TS được ghi nhận với điều kiện không trái thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật… “Như vậy TS có thể yên tâm là đáp án sẽ mở nhưng không phải mở một cách không có kiểm soát, không có căn cứ”, ông Trinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.