Đôi bên cùng có lợi
Do cần tiền đột xuất, chị T.A (Hà Nội) rao chuyển nhượng 2 sổ tiết kiệm trên một diễn đàn mạng xã hội với tổng số tiền 370 triệu đồng. Một sổ có lãi suất tiết kiệm 9,2%/năm, sổ còn lại 170 triệu đồng, lãi suất 9,4%/năm. Hai sổ đều có kỳ đáo hạn đến tháng 6.2024.
Sau khi rao vài tiếng, đã có người nhận thực hiện giao dịch chuyển nhượng 2 sổ trên của chị T.A. Theo chia sẻ của chị T.A, cả hai bên sẽ ra ngân hàng thực hiện chuyển nhượng, tên khách hàng sẽ được cập nhật trên sổ. Cả 2 sổ vẫn giữ nguyên lãi suất 9,2 - 9,4%/năm cho đến hết thời gian gửi.
Chị T.A tính toán, nếu rút tiền trước hạn, ngân hàng sẽ tính lãi không kỳ hạn rất thấp, chỉ khoảng 0,1 - 0,5%/năm. 2 cuốn sổ chị đã thực hiện gửi hơn 1 tháng, tính ra tiền lãi cũng khoảng 3 triệu đồng. Nếu rút trước hạn, chị T.A không nhận được số tiền lãi này. Nếu có người nhận chuyển nhượng lại sổ tiết kiệm, họ sẽ trả lại phần tiền này cho chị T.A.
Do lãi suất tiết kiệm hiện nay ở mức thấp, với kỳ hạn gửi 10 tháng, người gửi tiền chỉ nhận được khoảng 6 - 7%/năm tùy ngân hàng. Trong khi chuyển nhượng sổ tiết kiệm, thời gian 10 tháng nhưng được lãi cao, lên 9,2 - 9,4%/năm. Phía ngân hàng sẽ thu một khoản phí chuyển nhượng sổ là 200.000 đồng. Người mua và bán chia nhau, mỗi người trả một nửa.
Ở chiều ngược lại, anh Kiên (TP.HCM) rao "mua" lại sổ tiết kiệm. Theo anh Kiên, tiền nhàn rỗi hiện gửi ở ngân hàng đang gần đến ngày đáo hạn. Trong khi lãi tiết kiệm sụt giảm khá mạnh nên cần mua lại những người đã gửi trước đó có lãi suất cao. Thời gian sổ tầm 6 - 8 tháng là hợp lý. "Cuối năm nay đầu năm sau, giá nhà đất sẽ giảm để có thể mua vào nên lúc đó sẽ chuyển từ tiết kiệm sang mua nhà đất"- anh Kiên nói.
Trên một diễn đàn Facebook, mỗi ngày có hơn 10 lời rao chuyển nhượng hay nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất trên 9%/năm. Có sổ tiết kiệm 400 triệu đồng rao chuyển nhượng lãi suất 9,5%/năm đến tháng 11 đáo hạn; có người tìm người đang có sổ với lãi suất trên 9%/năm để mua, hay sổ từ 9,3%/năm trở lên từ 6 - 12 tháng…
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết theo quy định về tiền gửi tiết kiệm tại Thông tư số 48/2018 (có hiệu lực từ ngày 5.7.2019), cho phép người gửi tiền chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên để đảm bảo đúng quy định và hạn chế rủi ro phát sinh liên quan, tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm hướng dẫn người gửi tiền cách thức thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Việc chuyển nhượng cần phải thực hiện tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Đồng thời hoàn thiện giấy tờ 3 bên: chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, người nhận chuyển nhượng tiền gửi tiết kiệm và ngân hàng nhận tiền gửi tiết kiệm theo quy định tại Thông tư 48 và quy trình thủ tục của tổ chức tín dụng. Thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động này, sẽ không chỉ ngăn ngừa rủi ro liên quan đối với các bên mà còn đảm bảo lợi ích của các bên: người gửi tiền, người nhận chuyển nhượng và ngân hàng. Đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân gửi tiết kiệm cũng như tạo điều kiện cho sản phẩm tiết kiệm dân cư " ích nước lợi nhà" phát huy đúng bản chất của loại tiền gửi này.
Ngân hàng cũng có lợi
Làm việc trong ngành tài chính khoảng 20 năm, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh khá bất ngờ với việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Không những người chuyển, người nhận mà ngay cả ngân hàng cũng có lợi. Lợi ở đây là ngân hàng giữ được số tiền huy động, không bị "chảy" ra khỏi ngân hàng khác.
Theo quy định hiện hành, khách hàng được cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn. Điều này đồng nghĩa với hạn mức tín dụng của ngân hàng sẽ bị giảm đi khi thực hiện cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Hơn nữa, khi vay cầm cố sổ tiết kiệm, khách hàng phải trả lãi chênh lệch cho ngân hàng trong khoảng thời gian vay.
Một số khách hàng cũng không muốn thực hiện việc vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm nên có khi chịu thiệt rút trước hạn, bỏ phần lãi để giải quyết nhu cầu vốn. Việc chuyển nhượng sổ giữa các cá nhân với nhau cùng tại ngân hàng vẫn đảm bảo cho ngân hàng đó duy trì được số dư tiền gửi, nhất là kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Điều này giúp nguồn vốn huy động của ngân hàng không bị ảnh hưởng.
Từ vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã có những cảnh báo ngân hàng về hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Bởi biến tướng của cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là tăng dư nợ khống (khi cuối năm không tăng trưởng được tín dụng, điều này liên quan đến hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao năm sau). Hơn nữa, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm thường có mức lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiền từ 2 - 3% nên thông thường khách hàng hay lựa chọn rút trước hạn. Chính vì vậy, hình thức chuyển nhượng sổ tiết kiệm giải quyết phần nào nhu cầu của các bên.
Theo ông Huỳnh Trung Minh, hình thức mới phát sinh chuyển nhượng sổ tiết kiệm giải quyết được các vấn đề của ba bên. Do đây là hình thức khá mới nên cũng chưa đánh giá có rủi ro gì hay không, nhất là khâu rửa tiền. Tuy nhiên, khách hàng cần giao dịch tại ngân hàng để tránh những rủi ro có thể xảy ra trong thực tế. Đánh giá về lâu dài, ông Huỳnh Trung Minh cho rằng rất có thể sẽ không nở rộ như hiện nay khi lãi suất tiết kiệm đi xuống và dần ổn định.
Bình luận (0)