Trần Nguyễn Anh Tú, giáo viên của Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh, cho biết, anh thường xuyên bị kẹt xe ở khúc cầu Kênh Tẻ, từ Q.7 sang Q.4.
"Đoạn đó chỉ có 2 làn xe. 1 làn cho xe máy và 1 làn cho xe 4 bánh. Khoảng 6 giờ 30, xe buýt và ô tô cứ chen vào phần đường xe máy mà chạy gây ùn tắc giao thông. Mình để ý thấy đoạn đó không có trạm dừng đón khách đi xe buýt", anh Tú kể.
Nam giáo viên hiện đang sống ở P.Tân Quy, Q.7, cho biết từ nhà anh đến trường khá xa, nên gặp "kiếp nạn" kẹt xe hoài. Nếu ùn tắc giao thông, thời gian mà anh Tú di chuyển có thể lên tới 30 đến 35 phút, thay vì 20 - 25 phút như mọi khi.
"Mình gặp kẹt xe rất nhiều nên thường xuyên kiểm tra ứng dụng Google maps để tìm đường đi. Mình lưu ý thêm đoạn nào hay kẹt, rồi kiếm cách "chặt hẻm". Tuy nhiên, có nhiều hôm mình rẽ vào hẻm nhưng không thoát ra được vì… cũng kẹt", anh Tú kể khổ.
Trong khi đó, Lê Xuân Việt Anh (26 tuổi), ngụ ở đường Nhất Chi Mai, Q.Tân Bình, cho biết tối 10.10 mới đây, anh chàng cảm thấy khổ sở khi kẹt xe kéo dài ngang đoạn đường Cộng Hòa.
"Hai tuyến đường gần nhau nhưng mình cảm thấy rất mệt mỏi khi di chuyển. Đi làm về mà còn gặp trời mưa, kẹt xe kéo dài nên giao thông bị tê liệt. Xe cộ đan xen thì mệt đã đành, có người còn chửi nhau do chen nhau di chuyển. Mình về nhà trễ hơn 45 phút so với bình thường và cảm thấy quá mệt sau một ngày dài", Việt Anh chia sẻ.
Nỗi ám ảnh kẹt xe trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình đã trở thành một phần không thể tránh trong cuộc sống thường nhật của nhiều người dân TP.HCM. Việt Anh đã trải qua vô số tình huống khó xử do tắc đường gây ra, từ việc đi trễ làm, lỡ hẹn học tiếng Anh, cho đến những cuộc hẹn hò quá giờ với bạn gái. Để thích nghi với thực trạng này, Việt Anh buộc phải điều chỉnh toàn bộ lịch sinh hoạt của mình. Đó là, thức dậy sớm hơn thường lệ và về nhà muộn hơn để tránh giờ cao điểm. Tuy nhiên, dù đã cố gắng sắp xếp khoa học, đôi khi chàng trai này vẫn không tránh khỏi việc mắc kẹt trong những đoạn đường tắc nghẽn.
"Chỗ mình làm áp dụng phạt rất gắt với trường hợp đi trễ, có khi đến cả 50% ngày lương. Nhiều hôm, mình phải toát mồ hôi để đến công ty cho kịp. Đến chỗ làm hôm nào mình cũng trong tình trạng đầu bù tóc rối", Việt Anh kể.
Tự nguyện tăng ca để né kẹt xe
Nguyễn Thị Thu (27 tuổi), ngụ ở đường Lê Văn Chí, TP.Thủ Đức, TP.HCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Việt Anh. Thu làm việc ngay đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, mỗi ngày phải tốn ít nhất 15 - 20 phút chỉ để "đứng chôn chân" vì kẹt xe. "Ngày nào cũng phải đối mặt với cảnh kẹt xe, không chỉ lãng phí thời gian mà còn tốn nhiều xăng xe. Chưa kể làm tinh thần mệt mỏi. Mình cảm thấy ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc", Thu nói. Thu bèn chọn giải pháp tự… tăng ca ở công ty cho đến khi nào đường bớt kẹt mới dám về nhà.
Còn Nguyễn Hữu Thắng (27 tuổi), làm việc ở đường Võ Văn Tần, Q.3, khốn khổ khi gặp nạn kẹt xe trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận. Quãng đường khoảng 2 km nhưng có thể kẹt cả tiếng đồng hồ.
"Có lần 21 giờ đi học ngoại ngữ về, mình cứ mặc định là trời tối, đường sẽ không kẹt. Nhưng ôi thôi, tuyến đường này vẫn đông xe ngùn ngụt. Tan làm mà chạy ở đường Phan Đình Phùng chỉ có hít khói, gặp mưa nữa là bệnh luôn. Mình ớn quá không dám đi đường đó nữa mà chuyển sang đi hướng Trương Định – Lý Chính Thắng để về nhà ở Q.Gò Vấp", Thắng chia sẻ.
Thắng cho biết trước đây từng gặp cảnh kẹt cứng ở Q.8. Kẹt đến mức đường hai chiều thành một chiều. Hơn một tiếng đồng hồ, xe của Thắng không nhúc nhích được.
Ngoài ra, Thắng còn gặp tình cảnh kẹt xe ở đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10). "Hôm đó, mình bị bệnh nên đuối quá, ngồi trên xe chờ mà gật gù, muốn ngủ gục. Mình hít khói no nê nên về tẩy trang miếng bông đen thui. Từ đó về sau, tan làm mình không dám chạy ngang các đoạn đường đó nữa. Hiện tại, sau giờ làm việc mình thường xuyên ngồi tại công ty chừng 30 phút mới về, không thì kẹt dữ lắm bạn ơi".
Tình trạng kẹt xe kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến thời gian và tâm lý của người dân mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác như ô nhiễm môi trường, lãng phí nhiên liệu và giảm năng suất lao động… Các bạn trẻ mong muốn TP.HCM sẽ có giải pháp tốt hơn để giảm bớt tình trạng này để cuộc sống người dân cải thiện.
Bình luận (0)