Khả năng khan hiếm xăng dầu dịp tết khó xảy ra

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/01/2023 06:09 GMT+7

Do sự cố kỹ thuật, sản lượng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể bị sụt giảm đến 20 - 25%, khiến nỗi lo thiếu hụt xăng dầu ám ảnh nhiều người, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán.

Nhà máy giảm sản lượng để sửa lỗi kỹ thuật, bảo dưỡng

Thông tin từ Bộ Công thương, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (gọi tắt Nhà máy Nghi Sơn, thuộc Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn), một trong 2 nhà máy đang cung cấp 80% lượng xăng dầu cho thị trường cả nước, đang dừng tạm thời phân xưởng RFCC (phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi, được ví như trái tim của nhà máy - PV) để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ tại khớp nối. Sự cố này được cho là sẽ khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1.2023 của Nghi Sơn có thể bị giảm khoảng 20 - 25% so với kế hoạch.

Trong công điện khẩn mới đây của Bộ trưởng Bộ Công thương gửi Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và các thương nhân đầu mối xăng dầu, Bộ yêu cầu Công ty CP hóa dầu Bình Sơn (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Nhà máy Nghi Sơn) tăng tối đa công suất xăng dầu, sử dụng nguồn hàng dự trữ hoặc nguồn hàng khác để thay thế, bù đắp sản lượng phân giao thiếu hụt xăng dầu cho khách hàng. Về phía các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp (DN) này tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt có thể từ sự cố nói trên. “Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 và đến hết quý 1/2023”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Xăng dầu trong nước lại được điều chỉnh tăng nhẹ từ chiều 3.1 (Ảnh chụp chiều 3.1 tại cây xăng khu vực TP.HCM)

Ngọc Dương

Cuối năm 2021, Nhà máy Nghi Sơn bắt đầu giảm công suất. Đầu năm 2022, nhà máy báo cáo chỉ chạy 55 - 60% công suất do áp lực về tài chính. Trước đó, DN cũng đã tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô, nguyên liệu sản xuất xăng dầu phục vụ thị trường trong nước... khiến thị trường xăng dầu ngay sau Tết Nhâm Dần rơi vào tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung. Ngày 24.10.2022, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2022 về cơ chế xử lý tài chính cho PVN khi thanh toán các khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhà máy Nghi Sơn đang cung cấp 35% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Đáng nói, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, đơn vị đang “gánh” 45% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước, năm nay cũng có kế hoạch bảo dưỡng lần thứ 5, dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng. Trong thời gian đó, sản lượng của nhà máy này sẽ giảm 1 - 1,2 triệu tấn. Như vậy, việc Nhà máy Dung Quất bảo dưỡng khiến nhiều người lo lắng nguồn cung xăng dầu có thể sẽ lặp lại khan hiếm.

Không thể chủ quan

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: Tình trạng khan hiếm nguồn cung, để thiếu hàng và đứt gãy liên tục như năm qua là rất khó xảy ra. Bởi Thủ tướng cũng đã làm việc trực tiếp với các nhà máy lọc hóa dầu. Bộ Công thương ngoài việc chỉ đạo tăng hết mức công suất cũng nhấn mạnh tăng nhập khẩu bảo đảm đủ nguồn được phân giao. Nguồn dự trữ năm nay cũng dồi dào hơn năm trước nên ít có khả năng thiếu cung trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, nguồn cung xăng dầu bảo đảm đủ nhưng không phải quá “giàu có, dồi dào”. Cơ quan điều hành nay có tính chủ động hơn, đưa ra nhiều kịch bản hơn để ứng phó. Tuy nhiên, đợt thanh tra các DN đầu mối xăng dầu do Bộ Công thương thực hiện vừa qua cho thấy, việc phân giao sản lượng nhập khẩu của Bộ về các DN đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng việc DN có nhập đủ sản lượng phân giao, dự trữ đủ theo yêu cầu… là chuyện khác. Cụ thể, loạt DN đầu mối qua thanh tra vi phạm phổ biến về quy định dự trữ, dự trữ thấp hơn mức tối thiểu cho phép theo quy định, nhập khẩu cũng thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hằng năm hoặc được “miễn” phân giao như bao DN khác.

PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Việc thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm rồi, vậy phải kiểm tra, giám sát mạnh mẽ hơn. Công tác giám sát hoạt động nhập khẩu, dự trữ của DN đầu mối phải được theo dõi thường xuyên, báo cáo cập nhật thì khó có thể xảy ra tình trạng khan hàng”. Ông Long cũng lưu ý có thể xảy ra tình trạng thiếu cục bộ trong ngắn hạn tại khu vực phía bắc khi nguồn hàng điều về không kịp hoặc khi giá thế giới biến động mạnh.

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ (do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư), PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu. Trong 10 năm (đến 2028), nếu VN giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Nghi Sơn số tiền chênh lệch. Kết quả là VN ký kết và tham gia Hiệp định thương mại hàng hóa với ASEAN và Hàn Quốc, giúp thuế nhập khẩu 2 nhóm hàng xăng dầu giảm mạnh từ nhiều năm qua, có nhiều mặt hàng dầu nay thuế nhập chỉ còn 0%. Thế nên, sau bao nhiêu năm vận hành thương mại, bấy nhiêu năm Nhà máy Nghi Sơn báo lỗ lớn, đến đầu năm 2022 nhà máy này có lỗ lũy kế lên đến 3 tỉ USD.

Quan sát tình trạng bất ổn của thị trường xăng dầu trong năm qua, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nhận định: Cốt lõi của vấn đề nằm ở 2 nút thắt chính là cơ chế điều hành và bám sát thực tiễn điều hành. Một trong 2 nút thắt đó bị bỏ qua, lơ là hoặc lúng túng, thị trường sẽ có phản ứng ngay. Nếu đã tiên lượng tình hình thị trường, cơ quan quản lý khó có thể để thị trường rơi vào tình trạng đứt gãy nguồn cung nữa. Thế nhưng, cơ chế điều hành, bình ổn giá được thực hiện theo Nghị định 95 liên quan xăng dầu đến nay vẫn chưa được điều chỉnh, còn chứa nhiều bất cập, những phát sinh khan hàng vẫn có thể xảy ra nếu các chi phí nhập khẩu về nước tăng, trong khi trong nước chưa thể điều chỉnh ngay được.

“Năm 2023, thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn nhiều thách thức, do phần lớn dầu thô phụ thuộc nhập khẩu. Nay việc lọc dầu trong nước bị giảm công suất, thị trường phải phụ thuộc luôn hàng thành phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường thế giới luôn biến động, nên không thể chủ quan. Quan trọng nhất kịch bản ứng phó đừng để thiếu xăng tác động tiêu cực tới thị trường và gây đứt nguồn cung trong nước. Thứ hai, có kịch bản rồi, điều hành phải bám sát thực tế trong dịp tết sắp tới cũng như cả năm 2023”, ông Thỏa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.