Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1.2016, gây kinh ngạc cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân đủ để gắn vào tên lửa đạn đạo Scud, nhưng không rõ liệu Bình Nhưỡng có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào loại tên lửa lớn hơn có thể bay xa hơn và phóng được đầu đạn hạt nhân từ không gian hay không, theo AFP ngày 8.12.
Quan chức Mỹ không nêu tên cho rằng Triều Tiên đã có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa và phóng đi, nhưng vẫn chưa làm chủ về khả năng đưa tên lửa từ không gian quay trở lại trái đất để lao đến mục tiêu.
Cụ thể hơn, Triều Tiên được cho là vẫn chưa chắc chắn về việc có thể đưa tên lửa trở lại trái đất theo quỹ đạo được tính toán sau khi phóng đi, để từ đó tấn công chính xác vào mục tiêu đã định. Đây được coi là một trở ngại lớn trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy vậy, quan chức Mỹ nhận định Triều Tiên vẫn đang nỗ lực khắc phục hạn chế này.
Trên thực tế, đến nay Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, hai trong số đó được thực hiện trong năm nay. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa. Sau vụ thử hạt nhân lần 5 hồi tháng 9.2016, Bình Nhưỡng tuyên bố đã tiêu chuẩn hóa được việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa.
Một trong những tên lửa mà Triều Tiên thường xuyên thử nghiệm là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, được cho là có khả năng vươn tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Triều Tiên đã phóng thử tên lửa này 8 lần trong năm nay, nhưng chỉ một lần được cho là thành công, theo Yonhap.
Để đối phó với mối đe doạ hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đang phối hợp triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc và Nga, hệ thống THAAD sẽ sẵn sàng để triển khai ở Hàn Quốc trong 10 tháng nữa, AFP dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết.
Bình luận (0)