Khả năng thực thi

26/10/2018 04:19 GMT+7

10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa X, việc quản lý và khai thác tài nguyên, môi trường biển có đạt được kết quả, nhưng còn rất xa mục tiêu đặt ra.

10 năm kể từ Hội nghị T.Ư 4, khóa X (tháng 2.2007), T.Ư lại có một nghị quyết về Chiến lược biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Với một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn hơn ba lần phần đất liền, nhiều tiềm năng phát triển như VN thì định hướng chiến lược đó là hoàn toàn chính xác. Câu chuyện còn lại nằm ở mức độ thực thi chủ trương dựa vào biển và hướng ra biển sẽ quyết định khả năng hoàn thành được mục tiêu từng bước đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển một cách bền vững.
10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa X, việc quản lý và khai thác tài nguyên, môi trường biển có đạt được kết quả, nhưng còn rất xa mục tiêu đặt ra. Theo Tổng cục Biển và Hải đảo VN, trong 10 năm qua, đóng góp của kinh tế biển và ven biển vào GDP cả nước đã giảm từ 48% năm 2005, xuống 40,73% năm 2010 và 30,19% năm 2017. Rất xa mục tiêu 53 - 55%.
Thu nhập bình quân đầu người của người dân ven biển có tăng, nhưng không cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của người dân sống ở 28 địa phương có biển đã tăng gấp 4,84 lần trong giai đoạn 2006 - 2016, nhưng vẫn thấp hơn so với cả nước về số tuyệt đối: Năm 2006 là 627 USD/người/năm so với mức 637 USD của cả nước, năm 2016 là 3.035 USD/người/năm so với mức 3.049 của cả nước.
Từng chỉ tiêu cụ thể ở nhiều ngành như dầu khí, đóng tàu... còn rất nhiều hạn chế.
Sau 10 năm, chúng ta phải thừa nhận, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển còn yếu, quy hoạch không gian biển còn rời rạc.
Nghị quyết T.Ư 8 khóa XII về chiến lược biển sẽ là cơ hội để chúng ta củng cố vùng duyên hải với tư cách là vùng kinh tế động lực. Bên cạnh chuỗi đô thị ven biển cũng cần hình thành các đô thị đảo, hình thành các cực phát triển để thu hút, đồng thời kết nối với đất liền, gia tăng sức mạnh của VN trên biển và mở rộng bán kính ảnh hưởng ra các vùng biển còn lại của đất nước.
Chúng ta chưa có các thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực; lại càng thiếu vắng những tập đoàn kinh tế mạnh về biển, khu kinh tế mạnh ở ven biển. Trong những năm qua, nhà nước đã ban hành nhiều quy định phát triển khai thác hải sản như hỗ trợ vay vốn tín dụng để đóng mới tàu cá khai thác xa bờ; hỗ trợ chi phí nhiên liệu; hỗ trợ bảo hiểm; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; khắc phục rủi ro, thiên tai; hỗ trợ thiết bị thông tin, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển... tạo cơ sở phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng nhanh sản lượng, cơ sở hạ tầng. Nhưng do chúng ta chưa đủ “giàu” nên các đầu tư do vậy cũng chưa đủ “mạnh”.
Với chiến lược biển lần thứ 2 này, có lẽ chúng ta cần 4 thứ, thứ nhất là hành lang pháp lý tốt hơn nữa; thứ hai là khoa học công nghệ; thứ ba là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao (chứ không phải dựa vào tài nguyên); và thứ tư chính là khả năng thực thi những chủ trương, chính sách đã được ban hành.
Có giàu lên từ biển mới có điều kiện để nghĩ tới mạnh về biển và mới đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.