Thước đo và tấm gương

Vũ Hân
Vũ Hân
24/10/2018 04:29 GMT+7

Chiều nay, Quốc hội khởi động việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh của nhiệm kỳ này.

Việc “lấy” phiếu chứ không phải “bỏ” phiếu, tuy chưa như thông lệ quốc tế nhưng rõ ràng cũng đã gây được áp lực với các chức danh được lấy phiếu.
Điều rõ ràng ai cũng nhìn thấy, là càng gần kỳ lấy phiếu, càng thấy các bộ trưởng quyết liệt vào cuộc xử lý sự vụ hơn. Nó giống như một cái đích, đích đến của cuộc chạy nước rút, mà bỏ lỡ cơ hội này, công sức bao năm đành lãng phí.
Cuộc lấy phiếu của nhiệm kỳ trước quả thật để lại không ít băn khoăn, như có chức danh phiếu “tín nhiệm cao” cũng cao, mà “tín nhiệm thấp” cũng cao; ngược lại có người “tín nhiệm cao” cũng thấp, mà “tín nhiệm thấp” cũng thấp (chỉ có “tín nhiệm” là cao), chẳng thể xác định ai được tín nhiệm hơn. Cuộc lấy phiếu đó cũng không dẫn đến trách nhiệm chính trị nào cả.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, một bầu không khí khác hẳn đã xuất hiện ở Quốc hội, Chính phủ, kể từ thời điểm ĐBQH có được thực chất quyền lực chính trị của mình bằng lá phiếu.
Chân dung cá nhân của các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vì thế đã hiện rõ hơn bao giờ hết.
Bằng kết quả lấy phiếu, cử tri có một thước đo cụ thể uy tín, năng lực của bộ trưởng; còn bộ trưởng thì có một tấm gương để tự nhận thức lại mình.
Và cho dù ai cũng kỳ vọng thước đo tín nhiệm sẽ thẳng thắn hơn, sẽ dẫn đến những hậu quả thích đáng hơn, thì trách nhiệm chính trị không nhất thiết chỉ ở bị hay không bị bãi nhiệm. Nó còn là danh dự, uy tín của các bộ trưởng khi đối diện với cử tri và nhân dân, khi đối diện với ngay cả những người đồng cấp. Danh dự, đôi khi, quan trọng hơn rất nhiều so với cái ghế.
Lấy phiếu, đương nhiên không phải là một công cụ hoàn hảo.
Kết quả có thể rất sai, khi đại biểu Dương Trung Quốc, hôm qua, đặt câu hỏi: “Liệu Quốc hội có đúng không?” khi chia sẻ băn khoăn về việc một nhân sự có tín nhiệm rất cao của nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này đã rơi vào vòng lao lý.
Đó có thể là sự sảy chân nhất thời của cá nhân; nhưng cũng có thể là sự thiếu thông tin dẫn đến đánh giá sai lệch của một tập thể đông người được nhân dân gửi gắm niềm tin.
Mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội cũng là con người, cũng có yêu ghét, cũng có thể sai lầm. Nhưng ở cương vị một tập thể gọi là Quốc hội, họ phải có được những công cụ để đo đếm năng lực, uy tín của các chức danh họ bầu lên một cách xác tín hơn, để không bị choáng ngợp bởi những phát biểu dân túy, hay những “năng lực” nhiệt thành xử lý sự vụ mà bỏ qua những chính khách mẫn cán kiệm lời. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.