Khả năng Trung Quốc tăng cường do thám ở Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
01/12/2019 07:16 GMT+7

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa loại khí cầu có thể dùng để thu thập thông tin tình báo quân sự tới đá Vành Khăn.

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua đăng ảnh chụp từ vệ tinh ngày 18.11 của Công ty ImageSat International (ISI, Israel) cho thấy một vật thể có hình dạng giống khí cầu đang bay lơ lửng trên đá Vành Khăn, trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. “Lần đầu tiên, khí cầu của Trung Quốc có thể dùng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự bị ISI phát hiện tại đá Vành Khăn. Việc sử dụng khí cầu cho phép Trung Quốc có sự nhận biết tình hình một cách liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này”, ISI viết trên Twitter.
Trung Quốc được cho là đã bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm bằng khí cầu vào năm 2017. Những khí cầu khổng lồ được lắp đặt với radar mảng pha để giúp phát hiện máy bay ở tầm thấp, theo chuyên san quân sự Kanwa Asian Defence. Loại khí cầu này có thể bay trong thời gian dài, hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết với chi phí thấp và có thể giám sát một khu vực rộng lớn khi máy bay do thám không thể được triển khai. Chúng có thể giám sát các mục tiêu trên không lẫn vật thể di động trên mặt đất trong phạm vi bán kính tới 300 km. Khi kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát, những khí cầu này có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện, theo SCMP. Cũng theo tờ báo này, việc Trung Quốc đưa khí cầu đến đá Vành Khăn là chỉ dấu cho thấy nước này đang tăng cường khả năng do thám ở Biển Đông.
Đá Vành Khăn là một trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và biến thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng tại 3 đá là Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập. Ngoài ra, nước này có thể đã lắp đặt cơ sở radar trên 4 bãi đá còn lại là Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Châu Viên, theo Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ). Trong đó, cơ sở ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ đẩy mạnh đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông”, Giám đốc AMTI Gregory Poling nhận định với tờ The Washington Post. Các cơ sở radar cùng 3 đường băng nói trên nằm trong ý đồ của Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận Biển Đông, từ đó dẫn đến kiểm soát khu vực, theo AMTI. Hồi năm ngoái, Bắc Kinh còn âm thầm điều tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đối không đến Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi, theo tờ The Philippine Star. Các chuyên gia cũng như cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích và cảnh báo nguy cơ từ những hành động quân sự hóa phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.