Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) giữa tháng 10 công bố báo cáo kết luận Trung Quốc đang xây dựng một “hệ sinh thái thu thập dữ liệu toàn cầu”.
Tiến sĩ Samantha Hoffman, tác giả của báo cáo, nhấn mạnh Bắc Kinh nỗ lực thu thập và thậm chí muốn kiểm soát toàn bộ dữ liệu khắp thế giới nhằm gây ảnh hưởng, định hướng quan điểm người dân cùng nhà làm chính sách theo hướng có lợi cho Trung Quốc, theo tờ The Guardian. Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc mở rộng chiến dịch gia tăng sức ảnh hưởng tại nhiều tổ chức bao gồm các đại học ở Anh, Mỹ và Úc thông qua thỏa thuận hợp tác công nghệ.
Vơ vét dữ liệu khắp nơi
“Trung Quốc có tham vọng sử dụng công nghệ hiện đại để củng cố lợi ích của nước này, bao gồm thứ ít ai ngờ đến như công nghệ dịch thuật”, theo ASPI.
Cụ thể, báo cáo của ASPI nêu chi tiết hoạt động của Công ty GTCOM trực thuộc chính phủ Trung Quốc trên khắp thế giới. GTCOM tự xưng là công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), chuyên thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu với hơn 65 ngôn ngữ, phục vụ khách hàng là doanh nghiệp lẫn chính phủ.
Một trong số những nền tảng của GTCOM là Insidersoft, có thể thu thập 10 terabyte dữ liệu từ mạng xã hội mỗi ngày, tương đương với khoảng 1.000 tỉ chữ do người dùng gõ. Hằng năm, Insidersoft vơ vét khoảng 2 - 3 petabyte dữ liệu, tức khoảng 20 tỉ hình ảnh đăng trên Facebook, theo ASPI. Ngoài Insidersoft, GTCOM lấy được nhiều thông tin thông qua các dịch vụ, công nghệ dịch thuật đa ngôn ngữ cùng phần mềm nhận dạng giọng nói.
“Hệ sinh thái thu thập dữ liệu toàn cầu”
Theo mô tả của ASPI, “hệ sinh thái thu thập dữ liệu toàn cầu” là mạng lưới hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước, công ty công nghệ Trung Quốc với nước ngoài, bao gồm các đại học.
Tiến sĩ Hoffman lưu ý GTCOM hợp tác với nhiều công ty Trung Quốc khác bao gồm Tập đoàn Huawei vốn bị cấm cung cấp thiết bị cho mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) ở Úc vì lý do an ninh. Ngoài ra, GTCOM có mối liên hệ mật thiết với Alibaba Cloud và Haiyan Data, chuyên cấp công nghệ do thám. Bên cạnh đó, GTCOM có thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với mạng lưới chuyên gia, học giả, viện nghiên cứu quốc tế để thu thập dữ liệu “rồi chuyển trực tiếp vào máy chủ (server) do chính phủ Trung Quốc kiểm soát”, theo bà Hoffman.
Đáng quan ngại là nhiều đại học ở Úc hợp tác với các công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách cấm vận do dính líu đến hoạt động do thám và vi phạm nhân quyền, theo ASPI. Cụ thể, Đại học Adelaide hợp tác với Công ty start-up công nghệ cao Megvii và Đại học Sydney với Công ty SenseTime. Còn Đại học Quốc gia Úc bị phát hiện hợp tác với Đại học Công nghệ quốc phòng Trung Quốc vốn bị Mỹ cấm vận hồi 2015.
ASPI công bố báo cáo giữa lúc mối quan hệ Úc - Trung Quốc trở nên xấu đi vì nhiều vấn đề, bao gồm Bắc Kinh bị tố can dự vào chính trường, nền giáo dục ở Úc, vấn đề Biển Đông và tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 11.10, Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton tuyên bố: “Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác thương mại cực kỳ quan trọng với Trung Quốc, nhưng không cho phép Bắc Kinh tăng cường sức ảnh hưởng, can dự vào cơ quan chính phủ, đại học hoặc trộm tài sản trí tuệ”, theo tờ South China Morning Post. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng ông kỳ vọng Úc sẽ “từ bỏ quan điểm chiến tranh lạnh”.
|
Bình luận