'Khả năng vàng loạn sóng, tăng giá như trước sẽ không còn'

22/08/2024 21:16 GMT+7

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, giá vàng SJC trong nước hiện chỉ chênh với giá vàng thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng, khá sát nhau. Khả năng tình trạng vàng loạn sóng, tăng giá như trước đây sẽ không còn nữa.

Những ngày gần đây, giá vàng thế giới biến động mạnh, có thời điểm đạt kỷ lục 2.531 USD/ounce, mức cao nhất từ trước tới nay.

Hôm nay 22.8, giá vàng thế giới giảm nhiệt so với ngày 21.8, song vẫn neo ở mức 2.502,3 USD/ounce. Thực tế diễn biến thị trường xô đổ loạt dự báo trước đó cho rằng phải tới cuối năm nay, giá vàng thế giới mới chạm ngưỡng 2.500 USD/ounce.

'Khả năng vàng loạn sóng, tăng giá như trước sẽ không còn'- Ảnh 1.

Giá vàng SJC trong nước hiện chỉ chênh với giá vàng thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Thông thường, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, thị trường vàng trong nước sẽ rất sôi động. Người muốn mua vì sợ vàng tiếp tục tăng giá hay người sẵn vàng đem bán chốt lời đều sốt sắng.

Tuy nhiên, điều lạ lùng đã diễn ra khi thị trường vàng gần đây tương đối trầm lắng, ế ẩm. Giá vàng miếng SJC đứng im 2 ngày qua dù giá vàng thế giới biến động mạnh. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc vàng miếng SJC vẫn đang được bán theo kiểu bình ổn.

Đánh giá xuyên suốt câu chuyện bán vàng bình ổn thời gian qua, theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, Ngân hàng Nhà nước chỉ triển khai bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), nghĩa là chỉ các đơn vị này mới bán được vàng giá tốt.

Các ngân hàng, doanh nghiệp vàng khác dù vẫn niêm yết theo đúng giá bán vàng của các đơn vị nêu trên, song người dân tới mua thì họ không bán vì họ không phải là đối tượng được Ngân hàng Nhà nước bán vàng với giá bình ổn.

Trong câu chuyện bán vàng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, ông Phương phân tích, người dân có nhu cầu rất lớn, lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước bán ra lại có giới hạn. Vì thế, các đơn vị bán ra cũng hạn chế, không bán theo nhu cầu của khách hàng. Không phải khách hàng có nhu cầu 5 - 10 lượng là mua được luôn.

Những người có nhu cầu mua vàng lớn, nôn nóng, sợ vàng sẽ lên giá đã mua vàng ở "chợ đen" vào thời điểm tháng 6 với mức chênh lệch lên tới 4 - 5 triệu đồng/lượng so với giá các ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết.

Đến tháng 7, tháng 8, mức chênh này giảm còn khoảng 1 triệu đồng/lượng. Những ngày gần đây, thậm chí giá vàng "chợ đen" gần như ngang bằng với giá vàng mà 4 ngân hàng và Công ty SJC bán ra, chênh lệch chỉ còn khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi lượng.

"Hiện nay, nhu cầu vàng SJC không còn lớn như trước. Đây là thời điểm phù hợp để kết thúc việc bán vàng bình ổn", ông Phương nói.

Theo nguồn thông tin mà vị chuyên gia này nắm được, từ khoảng tháng 4 đến nay, lượng vàng tung ra thị trường thông qua đấu thầu vàng và bán vàng bình ổn khá lớn, khoảng 300.000 lượng.

"Giá vàng SJC trong nước hiện chỉ chênh với giá vàng thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng, khá sát nhau. Khả năng tình trạng vàng loạn sóng, tăng giá như trước đây sẽ không còn nữa", ông Phương nói.

Vàng ế, tiền nằm yên trong ngân hàng

"Vẫn bán vàng bình ổn thì nên mở rộng đối tượng được bán"

Cũng cho rằng đã đến lúc nên để thị trường vàng vận hành theo cơ chế cung - cầu, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, thời gian qua, những quy định mà các ngân hàng đặt ra đều gây khó khăn nhất định cho người mua vàng, có thể khiến không ít người cho rằng nhà quản lý thực sự không muốn bán vàng cho dân.

'Khả năng vàng loạn sóng, tăng giá như trước sẽ không còn'- Ảnh 2.

Nhằm giải quyết những bất cập gốc rễ của thị trường vàng, nhiều chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tiếp tục kéo dài tình trạng này có thể khiến người mua vàng mang tính chất đầu tư từ bỏ ý định mua vàng, đổ tiền vào các kênh khác. Một phương án khác là người mua vàng sẽ tìm đến thị trường "chợ đen" để tiến hành giao dịch khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 22.8, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, bình ổn giá vàng trong nước là làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới; không làm được điều này có thể gây nhiều hệ lụy như buôn lậu vàng, "chảy máu" ngoại tệ, trốn thuế…

Thời điểm hiện tại, có thể thấy giá vàng đã cơ bản được bình ổn. Tuy nhiên, giải quyết sâu xa, gốc rễ của vấn đề, theo vị chuyên gia, phải nhấn vào sửa đổi toàn diện, đầy đủ Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

"Thủ tướng đã yêu cầu rồi nên bây giờ phải làm, sửa ngay Nghị định 24 thì không cần bán vàng bình ổn nữa. Làm được điều đó mới có thể đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài", ông Long nói.

Đề cập giải pháp bình ổn thị trường vàng thời gian tới, ông Phương cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước không thể mãi bình ổn giá vàng, nên trả lại cho thị trường quyết định.

Điều này có nghĩa là để thị trường quyết định lực mua cung - cầu, Ngân hàng Nhà nước đứng sau giám sát xem có bất thường hay không. Nếu có động thái bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vào điều chỉnh như thời gian qua.

Trường hợp Nhà nước vẫn quyết định tham gia bình ổn thì nên mở rộng đối tượng bán vàng thay vì chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC bán vàng bình ổn như hiện nay. Những đơn vị này có thể mua được vàng từ Ngân hàng Nhà nước để bán cho người dân, người dân cũng sẽ dễ dàng mua vàng hơn hiện nay".

Về dài lâu, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh giải pháp sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là xem xét bỏ độc quyền vàng miếng. "Khi bỏ độc quyền vàng miếng SJC, các thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường sẽ cạnh tranh. Người dân có quyền lựa chọn nhiều thương hiệu, giảm bớt nhu cầu từ SJC", ông Phương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.