Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín (trụ sở tại TP.HCM), cho biết ngày 27.3 vừa qua, do có việc cá nhân, ông đã chuyển khoản 6 triệu đồng bằng dịch vụ internet-banking của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Mức phí cho giao dịch này lên tới 22.000 đồng khiến ông quá bất ngờ, thấy sốc.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Được, đối với các giao dịch chuyển khoản nộp thuế của doanh nghiệp mỗi lần cũng mất tới 11.000 đồng. “Không chỉ riêng tôi, rất nhiều khách hàng khi chúng tôi tư vấn cũng rất bức xúc khi phí chuyển khoản hiện nay, ngân hàng để ở mức quá cao”, ông Được nói, và dẫn chứng có một doanh nghiệp vừa và nhỏ, trung bình mỗi năm thực hiện 1.500 giao dịch chuyển khoản thì riêng tiền phí đã mất khoảng 70 triệu đồng. Còn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gần như mọi giao dịch đều phải thực hiện qua ngân hàng, số tiền phí chuyển khoản phải tiêu tốn hàng năm là rất lớn.
Chị N.T.T.H (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, đợt dịch Covid-19, chị đóng cửa hàng ăn uống của mình chuyển hẳn sang kinh doanh online. Mỗi ngày chị bán chục đơn hàng và đều thanh toán qua online, song mức phí chuyển tiền của các nhà băng hiện nay thực sự khiến chị nản lòng. Đơn cử như e-mobile banking, internet-banking của Agribank, ngay trong hệ thống đã mất từ 5.000-7.000 đồng/giao dịch.
“Chát nhất là chuyển tiền ngoài hệ thống hiện nay của Agribank. Với số tiền trên 2 triệu đồng, nhà băng này áp dụng 0,05% số tiền giao dịch, nhưng lại quy định tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch”, chị H. nói.
|
Để hạn chế tiền mặt, theo PGS-TS Ngô Trí Long, thời gian qua, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích các kênh thanh toán online. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ các nhà băng. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, NHNN đã yêu cầu CTCP Thanh toán quốc gia (Napas) 2 lần giảm phí chuyển tiền để tạo điều kiện cho các nhà băng giảm phí. Song mức phí như trường hợp của DongABank, 22.000 đồng cho khoản 6 triệu đồng (chiếm tới 0,36% giá trị), cao gấp 5-6 lần so với mặt bằng chung, là rất khó chấp nhận.
Theo khảo sát, dù đã áp biểu phí mới có giảm hơn trước từ ngày 1.4 nhưng mức phí của một số nhà băng còn khá cao. Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritimes Bank), dịch vụ internet-banking hiện đang áp dụng lên tới 12.000 đồng/món (chuyển ngoài hệ thống). Tức khách hàng chuyển 5 triệu hay 10 triệu đồng, cũng mất phí là 12.000 đồng/giao dịch. Chuyển ngoài hệ thống dịch vụ E-Banking của BIDV mức phí 7.000 đồng/giao dịch (hạn mức từ 2 triệu đến 10 triệu đồng). Đối với các khoản trên 10 triệu đồng, mức phí bằng 0,02% số tiền chuyển. Ví dụ, khách hàng chuyển 100 triệu đồng, mức phí tương đương là 20.000 đồng/giao dịch.
Đề xuất giảm 30-50%
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đề nghị, không chỉ trong giai đoạn dịch Covid-19, các ngân hàng nên giảm phí chuyển khoảng từ 30 - 50% so với mức hiện nay.
Vẫn theo vị này, theo quy định, đối với hóa đơn từ 20 triệu đồng, muốn được tính vào chi phí và khấu trừ thuế đều phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người dân có xu hướng thanh toán, mua sắm online đang rất phát triển thì số lượng giao dịch của ngân hàng là rất lớn. Mặt khác, chủ chương, chính sách của nhà nước đang hướng tới nền kinh tế số hóa, mọi giao dịch sẽ được công khai, minh bạch thì ngân hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
“Nếu ngân hàng giảm phí chuyển khoản sẽ tạo ra lợi ích tổng thể cho nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp, người dân giao dịch thông qua ngân hàng, đặc biệt là giao dịch điện tử. Khi đó, tổng khối lượng giao dịch là rất lớn. Ngân hàng trước đây thu phí cao nhưng lượng giao dịch hạn chế, nay giảm phí nhưng bù lại số lượng giao dịch nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Được phân tích.
Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hiện nay NHNN đã 2 lần quyết định giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng. Thời gian qua, các nhà băng cũng đã giảm, nhưng mức giảm còn quá ít và chỉ đối với các giao dịch có giá trị nhỏ (lần 1 dưới 500.000 đồng và lần 2 từ 500.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng - PV). Do đó, ông Hiếu cũng đề nghị cần phải giảm nhiều hơn và mở rộng đối với các các giao dịch có giá trị lớn hơn. Như vậy, vừa hỗ trợ được khách hàng gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, vừa khuyến khích được thanh toán không dùng tiền mặt.
Bình luận (0)