Khách Sài Gòn bay Hà Nội bằng hàng không từ năm nào, mất bao lâu?

21/07/2019 10:15 GMT+7

Theo tác giả cuốn 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất (Nguyễn Quốc Việt) thì vào ngày 19.4.1923, một sĩ quan không quân Pháp thuộc phi đội 2 ở Sài Gòn cùng một người thợ máy VN tên Bằng đã thực hiện thành công chuyến bay thẳng Sài Gòn - Hà Nội với tổng thời gian 8 giờ 30 phút.

Trước đó, Sở Hàng không Đông Dương (Service de L’Aviaiton de L’indo chine) do Toàn quyền Albert Sarraut ký quyết định thành lập ngày 13.7.1917 đã chính thức mở ra ngành hàng không trên đất Việt. Tiếp sau đó là Sở Hàng không dân sự Đông Dương (Service Civil de L’Aviation de L’indochine) được Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập ngày 6.1.1918.

Khách Sài Gòn đi Hà Nội bằng đường hàng không từ năm nào ?

Phi trường Tân Sơn Nhất chưa có tài liệu nào nói thật chính xác mà chỉ biết được xây dựng vào khoảng cuối năm 1929 hoặc 1930. Nhưng vào năm 1929 lại có đường bay chở hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn ra Hà Nội. Theo Báo Phụ Nữ Tân Văn (PNTV), từ các ngày 8, 15 và 22 tháng 6 năm 1929, Hãng máy bay Société d’Études et d’Entreprises aérinnes định thử bay ba chuyến chở khách khứ hồi từ Sài Gòn ra Hà Nội và ngược lại.
Mang tiếng là bay từ Sài Gòn ra Hà Nội nhưng thực ra hành khách phải đi xe từ Sài Gòn ra Nha Trang và từ đây đáp máy bay đi Hà Nội: “... theo ngày giờ như vầy: Chuyến đi máy bay khởi hành từ Nha Trang những ngày 8, 15 và 22 Juin, sau khi xe lửa đêm ở Sài Gòn ra tới Nha Trang.
Chuyến về thì ở Hà Nội bay những ngày 11, 18 và 25 Juin tới Nha trang 5 giờ, kịp đi chuyến xe lửa 9 giờ đêm chạy vào Sài Gòn. Nghĩa là mỗi chuyến bay từ sáng đến tối là tới nơi” (PNTV, 13.6.1929). Độc đáo nhất là những chuyến bay này chỉ chuyên chở hai hành khách nên giá vé rất đắt: Nha Trang - Hà Nội là 300 đồng (giá một năm tuần báo PNTV chỉ có 6 đồng). Trong các chuyến bay này mỗi hành khách được đem theo 15 kg đồ “tùy tùng” không phải trả tiền, còn ngoài ra phải trả mỗi ký là 2 đồng.
Sau khi có đường bay dân dụng từ Sài Gòn đi xe lửa đến Nha Trang rồi leo lên máy bay đi Hà Nội là lúc thư tín bắt đầu có đóng dấu “Máy Bay” “Par Avion” từ Sài Gòn ra Hà Nội đỏ chói bắt đầu từ tháng 10.1929.
Mãi cho đến năm 1951 Air Việt Nam thành lập tại Sài Gòn với số vốn phân nửa là của chính phủ, phần còn lại là do một số công ty Pháp đóng góp, đã mở đường bay Sài Gòn - Hà Nội xuất phát từ Tân Sơn Nhất. Trong một hồi ký, họa sĩ Tạ Tỵ cho biết đi từ Sài Gòn ra Hà Nội mất 8 giờ bay.

Đường bay sau ngày thống nhất

Theo tác giả Nguyễn Quốc Việt trong quyển 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất cho biết ngày 1.5.1975 chuyến bay đầu tiên mang cờ đỏ sao vàng đáp xuống Tân Sơn Nhất, rồi sau đó ngày 4.5.1975 chuyến bay IL14 chở theo nhóm cán bộ đầu ngành hàng không - không quân vào hỗ trợ Tân Sơn Nhất. Chiều trở ra chiếc IL14 chở tướng Lê Trọng Tấn đi Hà Nội.
Trong thời gian này ưu tiên cho những chuyến bay phục vụ quân sự, nhiệm vụ chính trị cấp bách chứ chưa mở được đường bay dân sự.
Theo một thống kê cho thấy, trong 1 tháng của năm 1976 chỉ có 52 chuyến bay Sài Gòn - Hà Nội chở 1.425 hành khách, chiều ngược lại có 53 chuyến chở 1.781 hành khách. Có lẽ số hành khách này là cán bộ trong các ngành được ưu tiên chi viện việc xây dựng chế độ mới.
Mãi đến ngày 28.8.1976 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị: “Cần bố trí ngày nào cũng có chuyến bay từ HN vào TP.HCM và ngược lại, trừ những ngày chủ nhật ngày lễ... Tính toán để tổ chức vận chuyển được thêm 100 hành khách trên mỗi chuyến bay, đáp ứng nhu cầu công tác cấp thiết của cán bộ các cơ quan nhà nước và một phần cho những đối tượng được đi máy bay”.
Từ chỉ thị này cũng thấy rõ ngày ấy được đi máy bay Sài Gòn - Hà Nội không dễ vì máy bay quá ít, nhu cầu người đi công tác quá nhiều, và hành khách dân sự muốn vào nam ra bắc cũng cần phải có đơn xin, giấy giới thiệu với đủ loại dấu đỏ tùm lum để có đủ tiêu chuẩn là “đối tượng được đi máy bay”. So với ngày ấy, ngày nay thật ngon lành. Nào đủ các hãng máy bay, đủ các loại vé, đủ các loại thời trang tiếp viên, đủ các loại hoãn hủy chuyến... nha nha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.