Khách Trung Quốc 'ngán ngẩm' Thái Lan vì đắt đỏ, kỳ vọng điểm đến Việt Nam

27/03/2023 09:29 GMT+7

Bài viết trên China News phân tích lựa chọn điểm đến của du khách Trung Quốc sau khi nước này tiếp tục thí điểm cho du khách theo đoàn đợt 2 tới 40 nước, trong đó có Việt Nam.

Hồi đầu tháng 3, chủ đề "Thái Lan có thực sự quá đắt để du lịch?" xuất hiện trên Weibo. Giá cả tăng cao ở Thái Lan một lần nữa làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi tại Trung Quốc. Du khách nước này cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng, giá khách sạn và vận chuyển ở Thái Lan đã tăng lên đáng kể.

Khi kỳ nghỉ lễ lao động tháng 5 ở Trung Quốc đến gần, nhiều khách du lịch đang tìm kiếm các điểm đến thay thế. Sau khi nối lại 40 điểm đến du lịch theo đoàn ra nước ngoài lần hai, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất của du khách Trung Quốc, sau Thái Lan.

Báo Trung Quốc 'chê' Thái Lan đắt đỏ, kỳ vọng khách đến Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách Trung Quốc trở lại Thái Lan đông đúc sau đại dịch

XINHUA

Nguồn cung không đủ khiến giá tăng đồng loạt

"Vật giá ở Thái Lan tăng chóng mặt", "Chi tiêu tăng gấp 3 lần bình thường"... Thời gian gần đây, các trang mạng xã hội Trung Quốc xôn xao về việc giá cả ở Thái Lan tăng nóng. Thật sự, Thái Lan có đắt đỏ?

Bai Fan, làm việc tại Bắc Kinh, đăng ký một chuyến du lịch theo đoàn của CYTS Tours Thailand vào tháng 2 năm nay. Đây là chuyến đi đầu tiên của cô đến Thái Lan. Trước khi xảy ra dịch bệnh, các điểm đến chính của Bai Fan là Nhật Bản, châu Âu...  Nói về giá cả ở Thái, Bai Fan cho biết, những người bạn đi cùng nhóm khẳng định giá cả ở Thái Lan thực sự đã tăng lên, nhưng cô nghĩ không sao cả, vì việc đi lại, ăn ở... chi tiêu cá nhân của cô chủ yếu là đi chợ đêm, ăn vặt…

Còn du khách Hu Xin khẳng định "Giá khách sạn và vận chuyển ở Thái Lan đã tăng với tốc độ cao. Quãng đường trước đây đi taxi vài chục baht giờ có thể tốn khoảng 50 nhân dân tệ (khoảng 171.000 đồng-PV). Giá khách sạn Thái Lan đã cũng tăng so với năm 2019".

Giá khách sạn cao cấp thương hiệu quốc tế như Marriott và Hilton đã tăng khoảng 50% so năm 2019, trong khi giá một số khách sạn địa phương tăng ít hơn, khoảng 30%.

Theo ông Wu Liyun, Phó giáo sư tại Viện Văn hóa và Công nghiệp Du lịch Trung Quốc, việc tăng giá du lịch nước ngoài không chỉ giới hạn ở một điểm đến Thái Lan mà đã tăng ở nhiều nơi khác. "Trước hết, các chuyến bay quốc tế vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn. Nhiều dịch vụ ăn uống, lưu trú từng đón khách du lịch Trung Quốc đã chuyển đổi do dịch bệnh và không còn đón khách nữa, điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng chi phí tăng… Nhìn chung, nguyên nhân cốt lõi vẫn là nguồn cung thiếu dẫn đến giá tăng cao".

Giá vé máy bay sẽ giảm trở lại trong quý 2

Bên cạnh giá khách sạn, phương tiện vận tải nhỏ lẻ tăng, vé máy bay cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến du khách đến Thái Lan "ngán ngẩm".

Sau khi Trung Quốc mở đợt đầu tiên thí điểm các tour du lịch nước ngoài theo đoàn, không chỉ riêng Thái Lan, mà do thiếu các chuyến bay trực tiếp, giá của nhiều điểm đến nước ngoài ở mức cao.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hãng hàng không đã mở mới đường bay thẳng đến Thái Lan. Vài ngày trước, Hainan Airlines thông báo kế hoạch mở đường bay quốc tế trực tiếp giữa Quảng Châu và Bangkok từ 4.4. Đây là đường bay thứ hai của Thái Lan được Hainan Airlines mở tại khu vực Quảng Châu. China Eastern Airlines trước đó thông báo có 7 đường bay khứ hồi đến Thái Lan trong tháng 3, trong đó đường bay Thượng Hải (Phố Đông) đến Phuket là chuyến bay hàng ngày.

Theo dữ liệu của Qunar, so với đầu tháng 2, giá vé máy bay khứ hồi từ Quảng Châu và Thượng Hải đến Thái Lan rẻ hơn khoảng 2%. Số lượng các chuyến bay quốc tế sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Ông Han Jie, Chủ tịch Công ty Phát triển Công nghệ CYTS Aoyou, cho biết: "Hầu hết các hãng hàng không sẽ bổ sung chuyến bay hoặc nối lại chuyến bay vào cuối tháng 3 và kỳ vọng giá vé máy bay sẽ giảm trong quý 2, nhưng không đáng kể. Nếu vé máy bay giảm thì giá các sản phẩm du lịch ghép đoàn của chúng tôi cũng giảm theo".

Khách Trung Quốc 'chê' Thái Lan đắt đỏ, kỳ vọng vào điểm đến Việt Nam - Ảnh 2.

Đoàn khách Trung Quốc xuống sân bay Cam Ranh thời điểm tết 2023

THẾ QUANG

Việt Nam được kỳ vọng là lựa chọn mới

Với việc nối lại thí điểm đợt hai các tour du lịch nước ngoài theo đoàn, các lựa chọn xuất cảnh của khách du lịch Trung Quốc dần tăng lên. Trong số đó, Việt Nam trở thành sự lựa chọn mới cho khách du lịch đến từ đất nước tỉ dân.

Theo số lượng cuộc gọi trong nước của Tổng đài Du lịch Zhongxin và số lượt xem sản phẩm trên trang web chính thức của công ty, ngoài các điểm đến Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore, mức độ phổ biến của các điểm đến du lịch xuyên lục địa như Thụy Sĩ, Ai Cập, Dubai và Nam Phi đã tăng lên nhanh chóng.

Ông Jiang Wen, Giám đốc điều hành của Ctrip Group Tours, cho biết: "Trong đợt thí điểm thứ hai của các tour du lịch nước ngoài theo đoàn, một số quốc gia miễn thị thực hoặc lấy thị thực ở điểm đến hiện được quan tâm tương đối cao, chẳng hạn như Serbia và Mauritius. Ngoài ra, Việt Nam ở Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến nổi tiếng sau Thái Lan của khách Trung Quốc".

Bên cạnh đó, với sự ra mắt ngày càng nhiều sản phẩm du lịch outbound, tour du lịch nước ngoài vào kỳ nghỉ lễ tháng 5 cũng bước vào giai đoạn cao điểm đặt phòng. Theo số liệu của Ctrip, lượng đặt tour du lịch nước ngoài trong dịp nghỉ lễ lao động nửa tháng qua tăng 167% so với nửa đầu tháng. Ngoài Thái Lan, các điểm du lịch nước ngoài được đăng ký vào kỳ nghỉ tháng 5 hiện nay bao gồm Indonesia, Malaysia, Maldives…

Ông Wu Liyun nhận xét: "Trong số 60 quốc gia hiện đang mở cửa đón khách Trung Quốc, các điểm đến Đông Nam Á gần Trung Quốc hơn vẫn là lựa chọn hàng đầu của du khách và các hãng lữ hành. Ở góc độ các hãng lữ hành, một mặt cần quan tâm đến những thay đổi trong tiêu dùng của du khách, mặt khác cần hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa trên tình hình cung ứng tại chỗ của điểm đến".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.