Vào ngày khai ấn đền Trần Nam Định hàng năm, Công an tỉnh Nam Định xây dựng phương án “phòng ngự” từ xa bằng cách phân luồng từ cách đền Trần 4-5 km, tại khu vực BiGC và cầu Tân Đệ, đưa xe ra các tuyến đường lân cận để giảm tải cho con đường trực tiếp dẫn vào đền Trần là quốc lộ 10, nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng ách tắc.
Tuy nhiên, lần đầu tiên phương án này được thấy là thừa. Sáng 2.3, trung tá Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Nam Định, xác nhận: “Trên toàn tuyến không hề xảy ra ách tắc, thậm chí là vắng”.
|
Có mặt tại đền Trần từ sáng 1.3, PV xác nhận tình trạng vắng vẻ bất thường của sự kiện này. Suốt tuyến quốc lộ 10 lần đầu tiên thông thoáng một cách đáng ngạc nhiên. Đến 20 giờ tối, thêm một phương án của ban tổ chức là sử dụng Cung Thể thao Nam Định làm bãi gửi xe để tránh quá tải cho bãi gửi xe đền Trần, cũng bị "vô hiệu hóa", bởi tất cả bãi gửi xe đền Trần và các bãi gửi xe tự phát của dân ở gần Đền đều rất vắng vẻ, chưa sử dụng hết 1/3 dung lượng.
Anh Trần Thanh, gần 10 năm qua thuê ki-ốt bán cây cảnh ở cửa đền Trần, cho biết: “Suốt hơn 10 năm qua, đây là lần đầu tiên tôi thấy đền Trần vắng vẻ như thế này vào đêm khai ấn”.
|
Phải đến gần 21 giờ, khi Ban tổ chức mở cửa Đền, mời đại biểu (hơn 1.000 đại biểu) có thẻ vào dự khai ấn, khu vực đền Trần mới tấp nập hơn một chút. Lúc đó, người dân bản địa cũng mới đến đền Trần đi lễ. Tuy nhiên, ước tính tổng số người có mặt tại khu vực đền cũng chưa thể đến 1 vạn người, chỉ tập trung quanh khu cửa Đền.
Thống kê của ban tổ chức cho biết, số lượng du khách, người đi lễ đổ về đền Trần dự khai ấn các năm trước đều không dưới 3 vạn người. Dòng người chen lấn, xô đầy nhau kéo dài 2,3 km trên đường Trần Thừa, trước cửa đền Trần, đợi từ chập tối đến giờ khai ấn.
|
Đúng 23 giờ đêm bắt đầu diễn ra Lễ khai ấn đền Trần. Năm nay, lần đầu tiên chủ trì buổi lễ khai ấn không phải là quan chức T.Ư mà là ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định. Buổi lễ diễn ra suôn sẻ, không còn cảnh các đại biểu ngực đeo thẻ nhưng chen lấn, xô đẩy, thậm chí trèo lên nhau để đến gần kiệu ấn. Cũng không còn cảnh cướp lộc, ném tiền như mưa vào kiệu để cầu lộc, cầu quan như mọi năm.
Công chức không dám đi dự khai ấn?
Chị Phạm Thị Lan, chủ nhà nghỉ P.L ở Khu đô thị Hòa Vượng, thành phố Nam Định, cho biết đến chiều 28.2, nhóm khách đặt 7 phòng tại nhà nghỉ của chị bất ngờ gọi điện hủy lịch đặt phòng, chấp nhận mất tiền cược. Cũng theo chị Lan, các năm trước, điện thoại của chị đổ chuông liên tục suốt mấy ngày trước khai ấn để đặt phòng nhưng đều không đáp ứng được vì đã có người đặt kín từ trước đó hàng tuần.
Nhưng năm nay, từ chiều 28.2, sau khi khách trả phòng thì không có người đặt, nên cả 7 phòng đều bỏ trống. “Khách hủy phòng là cán bộ, công chức tỉnh khác, mấy năm trước đều đặt phòng ở đây từ sáng ngày khai ấn để về Nam Định đi lễ Phủ Dày, lấy ấn đền Trần và giao lưu với cán bộ cùng ngành ở tỉnh Nam Định. Năm nay chắc thấy có người đi lễ đền Trần bị đình chỉ công tác nên không dám về”, chị Lan tự lý giải về nguyên nhân khách hủy phòng.
|
Ông Trần Văn Bình (ở khu tập thể đường sắt, đường Trần Huy Liệu, thành phố Nam Định) thông tin: “Khách dự khai ấn năm nay chủ yếu là thanh niên đi lễ, vắng hẳn những đoàn cả vài chục người trung niên, phụ nữ thuê xe đi lễ, nhìn là biết ngay cán bộ, công chức đến lấy ấn để cầu quan, cầu lộc. Vắng cũng phải thôi, năm nay khai ấn diễn ra vào ngày làm việc. Sau vụ đình chỉ công tác 7 cán bộ Kho bạc thành phố Nam Định và Giám đốc điện lực Bình Lục, Hà Nam, công chức nào dám bỏ việc về dự lễ khai ấn nữa?".
Sau đêm khai ấn, sáng nay, 2.3, đền Trần bắt đầu phát ấn. Lần đầu tiên không còn cảnh chen chúc, xô đẩy nhau để đến được cửa 2 nhà Giải Vũ và cung Trùng Hoa để mua ấn. Khách đến lấy ấn chỉ xếp hàng khoảng 5 phút là đến lượt, mua bao nhiêu tùy thích.
"Hôm nay vẫn là ngày làm việc nên cán bộ, công chức nhà nước không đến mua ấn được mà chỉ có dân thường đi lễ, lấy ấn. Vắng cán bộ, công chức đi lấy ấn cầu quan, đền Trần thanh bình hẳn đi", một du khách có mặt ở đền Trần nhận xét.
Bình luận (0)