Sáng 21.2, lễ hội khai bút đầu xuân được tổ chức tại đền thờ danh nhân Lê Đức Liêu ở làng Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng, người đỗ tiến sĩ dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết chữ 'Học' với mong muốn xây dựng một xã hội học tập - Ảnh: V.N.K |
Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân và du khách thập phương đã về cụm di tích đình, chùa Quỳnh Hoàng và đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu dự lễ hội khai bút. Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ và rước bút, nghiên, mực vòng quanh cụm di tích, nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, câu đối và Hán-Nôm học TP.Hải Phòng đã viết chữ “Học”.
Ông Lý diễn giải các nét trong chữ “Học”: “Những nét đầu tiên là biểu tượng sách vở, bút nghiên, tức là lưu giữ tri thức của nhân loại, nét gạch ngang là mái nhà và chữ tử ở dưới nét ngang là trẻ nhỏ. Nhìn vào chữ “Học” nghĩa là em bé ngồi dưới mái nhà phải tiếp thu những lời dạy bảo của bố mẹ, thầy cô, không ngừng học tập để xây dựng sự nghiệp lớn lao”.
Các em học sinh giỏi rước bút, mực, nghiên - Ảnh: V.N.K
|
Đây là năm đầu tiên lễ hội khai bút được tổ chức ở làng Quỳnh Hoàng, quê hương của ông Lê Đức Liêu, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân vào năm 1484, niên hiệu Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông. Ông được cử làm tới chức quan Hiến sát sứ, chuyên việc xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, tố cáo sự gian tà của quan, xét rõ sự u uẩn của dân...
Theo sử sách ghi chép, Lê Đức Liêu sinh ra trong một gia đình rất nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ tuổi. Ông được một gia đình trong dòng họ nhận làm con nuôi, vượt lên khó khăn để học hành, đỗ đạt làm rạng danh dòng tộc, quê hương.
Em Nguyễn Ngọc Thanh (lớp 9A, Trường THCS Nam Sơn, huyện An Dương) đạt học sinh giỏi quốc gia năm học 2014-2015 khai bút cùng một số lãnh đạo ban, ngành địa phương - Ảnh: V.N.K
|
Đưa con trai đến dự lễ hội khai bút tại đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu, chị Phạm Thị Thanh Phương (35 tuổi, trú ở phố Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) cho biết rất xúc động khi được biết thân thế, sự nghiệp của danh nhân này. “Tôi đã nói cho cháu biết về chuyện cụ Lê Đức Liêu mồ côi cha mẹ nhưng vẫn quyết tâm học hành để trở thành tiến sĩ. Tôi đã xin chữ “Trí” cho cháu treo ở bàn học, mong rằng cháu sẽ hăng say học tập để làm người có ích cho xã hội”, chị Phương chia sẻ.
Bên cạnh lễ khai bút đầu xuân, tại cụm di tích lịch sử làng Quỳnh Hoàng còn diễn ra các trò chơi dân gian, trình diễn thư pháp, tìm hiểu và ngâm thơ chữ Hán của Bác Hồ…
Gian viết thư pháp thu hút rất đông học sinh xin chữ - Ảnh: V.N.K
|
Mùa xuân năm Giáp Thìn (1484) niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông, triều đình ban chiếu về làng Quỳnh Hoàng đến bến sông Vận (ngày nay là bến đò Nống) rước tân quan Lê Đức Liêu về vinh quy bái tổ.
Dân làng không đến vì nghĩ rằng cậu bé Liêu mồ côi cha mẹ, nghèo khó, làm sao có thể thành ông nghè được. Không thấy dân làng ra đón, ông trở về kinh đô để làm việc. Sau này, làng Quỳnh Hoàng có người ở kinh thành về nói chuyện ông Liêu đỗ tiến sĩ. Mọi người trong làng lấy làm hối hận.
Để tri ân và học tập theo tấm gương tiến sĩ Lê Đức Liêu, nhân dân làng Quỳnh Hoàng đã xây dựng đền thờ ông trong khuôn viên khu di tích quốc gia đình Quỳnh Hoàng.
|
Bình luận (0)