Sáng 11.3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khai hội đền Bà Triệu năm 2023; kỷ niệm 1.775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (Bà Triệu); và đón nhận chứng nhận lễ hội đền Bà Triệu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đại diện Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng hàng ngàn người dân, du khách đã về tham dự lễ hội.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài để tri ân công lao to lớn của Bà Triệu, còn là dịp để tôn vinh di sản văn hóa lễ hội đền Bà Triệu, vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân và mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản độc đáo, đậm đà bản sắc, để hôm nay được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", ông Tùng nhấn mạnh.
Sử sách ghi lại, năm 220 sau Công nguyên, sau khi triều đại Đông Hán sụp đổ, nhà nước phong kiến Trung Quốc phân chia thành cục diện Ngụy, Thục, Ngô. Nước ta lúc này bị nhà Ngô cai trị và thực thi nhiều chính sách vô cùng tàn ác. Trong đó, vùng đất Cửu Chân (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) bị chúng ra sức cướp bóc, vơ vét; đâu đâu cũng diễn ra cảnh lao dịch, bóc lột nặng nề, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân lành. Đời sống nhân dân khổ cực, lầm than.
Lúc bấy giờ, ở vùng đất Cửu Chân, Triệu Thị Trinh và anh trai là Triệu Quốc Đạt đã nổi dậy đánh đuổi giặc Ngô. Trong một lần chỉ huy nghĩa quân chống lại cuộc tấn công của quân Ngô vào căn cứ núi Nưa (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa), Triệu Quốc Đạt đã hy sinh. Nén nỗi đau thương, Triệu Thị Trinh thề sẽ quyết tâm trả thù nước, nợ nhà; đánh tan giặc Ngô, giúp nhân dân thoát cảnh lầm than cơ cực.
Từ căn cứ núi Nưa, Bà Triệu đã chỉ huy nghĩa quân tiến đánh thành Tư Phố (nay thuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa), tiêu diệt chính quyền đô hộ nhà Ngô ở quận Cửu Chân. Ngày 22.2 âm lịch năm Mậu Thìn (năm 248), trong trận đánh giặc Ngô, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh tại núi Tùng ở làng Bồ Điền, khi mới 23 tuổi.
Cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô xâm lược của Bà Triệu tuy thất bại nhưng đã tạo nên mốc son đỉnh cao trong lịch sử anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta.
Để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu, nhân dân lập đền dưới chân núi Gai (đền Bà Triệu), xây lăng mộ trên đỉnh núi Tùng để chăm lo thờ cúng Bà. Người dân làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc) tôn Bà Triệu là Thần hoàng làng, thờ tại đình làng Phú Điền.
Lễ hội đền Bà Triệu được diễn ra từ ngày 19 đến ngày 24 tháng Hai (Âm lịch) hằng năm. Lễ hội bao gồm các lễ mộc dục, rước kiệu thần, tế lễ long trọng để bày tỏ lòng biết ơn đến Bà Triệu đã che chở cho dân làng.
Trong những ngày lễ, dân làng dâng lên những sản vật, thức ăn tốt nhất, ngon nhất mà họ thu hoạch được trong một năm như cách để báo công và tạ ơn thần. Cùng với các nghi lễ dâng cúng, dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian, như nấu cơm thi, đánh bài điếm, đánh cờ người, đặc biệt là hội trận Ngô - Triệu giao quân.
Bình luận (0)