Lễ hội đền Bà Triệu - di sản phi vật thể trong di tích quốc gia đặc biệt

10/03/2023 07:46 GMT+7

Lễ hội đền Bà Triệu hình thành từ sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Vì thế, lễ hội đã tạo ra một hiện tượng văn hóa làm sống lại tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ VN.

Lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa) vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản này lại nằm trong tổng thể di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu.

Người nữ anh hùng

Sử sách ghi lại, năm 220 sau công nguyên, sau khi triều đại Đông Hán sụp đổ, nhà nước phong kiến Trung Quốc phân chia thành cục diện Ngụy, Thục, Ngô. Nước ta lúc này bị nhà Ngô cai trị và thực thi nhiều chính sách vô cùng tàn ác. Trong đó, vùng đất Cửu Chân (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) bị chúng ra sức cướp bóc, vơ vét; đâu đâu cũng diễn ra cảnh lao dịch, bóc lột nặng nề, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân lành. Đời sống nhân dân khổ cực, lầm than.

Lê hội đền Bà Triệu- di sản phi vật thể trong di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Đền Bà Triệu

MINH HẢI

Lúc bấy giờ, ở vùng đất Cửu Chân, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) và anh trai là Triệu Quốc Đạt đã nổi dậy đánh đuổi giặc Ngô. Trong một lần chỉ huy nghĩa quân chống lại cuộc tấn công của quân Ngô vào căn cứ núi Nưa (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa), Triệu Quốc Đạt đã hy sinh. Nén nỗi đau thương, Triệu Thị Trinh thề sẽ quyết tâm trả thù nước, nợ nhà; đánh tan giặc Ngô, giúp nhân dân thoát cảnh lầm than cơ cực.

Từ căn cứ núi Nưa, Bà Triệu đã chỉ huy nghĩa quân tiến đánh thành Tư Phố (nay thuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa), tiêu diệt chính quyền đô hộ nhà Ngô ở quận Cửu Chân. Ngày 22.2 âm lịch năm Mậu Thìn (năm 248), trong trận đánh giặc Ngô, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh tại núi Tùng ở làng Bồ Điền, khi mới 23 tuổi.

Cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô xâm lược của Bà Triệu tuy thất bại nhưng đã tạo nên mốc son đỉnh cao trong lịch sử anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta.

Lê hội đền Bà Triệu- di sản phi vật thể trong di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Lễ hội đền Bà Triệu năm 2018

SỞ VH-TT-DL THANH HÓA

Giữ gìn di sản phi vật thể trong lòng di tích quốc gia đặc biệt

Để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu, nhân dân lập đền dưới chân núi Gai (đền Bà Triệu), xây lăng mộ trên đỉnh núi Tùng để chăm lo thờ cúng Bà. Người dân làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc) tôn Bà Triệu là Thần hoàng làng, thờ tại đình làng Phú Điền.

Từ bao đời nay, người dân làng Phú Điền tiến hành các nghi lễ như lễ mộc dục, rước kiệu thần, tế lễ long trọng (thường diễn ra từ ngày 19 - 24.2 âm lịch hằng năm) để bày tỏ lòng biết ơn đến Bà Triệu đã che chở cho dân làng.

Trong ngày lễ, dân làng dâng lên những sản vật, thức ăn tốt nhất, ngon nhất mà họ thu hoạch được trong một năm như cách để báo công và tạ ơn thần. Cùng với các nghi lễ dâng cúng, dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian, như nấu cơm thi, đánh bài điếm, đánh cờ người, đặc biệt là hội trận Ngô - Triệu giao quân.

Lê hội đền Bà Triệu- di sản phi vật thể trong di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 3.

Đình làng Phú Điền

MINH HẢI

Ngoài ra, nhân dân xã Triệu Lộc nhiều đời nay còn giữ gìn và duy trì tục cúng cơm mới vào ngày 2.10 âm lịch hằng năm, là ngày sinh của Bà Triệu. Vào thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới (đêm 30 tết), mỗi gia đình trong làng Phú Điền thường chuẩn bị một mâm lễ gồm xôi - gà, trầu cau để dâng cúng.

Ông Đặng Văn Cường (69 tuổi, ở làng Phú Điền), người đã có thời gian 12 năm trông coi đền Bà Triệu và đình làng Phú Điền, cho biết lễ hội đền Bà Triệu được công nhận di sản văn hóa phi vật thể là niềm mong mỏi của người dân nơi đây.

Nói về tính đặc sắc của lễ hội đền Bà Triệu, ông Cường chia sẻ: "Để giữ gìn được lễ hội Bà Triệu, dân làng chúng tôi nối tiếp nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác tuân thủ các quy ước nghiêm ngặt đã có từ lâu đời. Xưa kia những ai xâm phạm đến cây cối, vật dụng của đền, đình làng thì bị làng phạt, còn nay thì có pháp luật rồi. Việc lựa chọn người tham gia phần lễ, phần hội cũng phải có yêu cầu, đặc biệt là những người rước kiệu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, chẳng hạn: người rước kiệu phải có khuôn mặt khôi ngô, chưa lập gia đình riêng, gia đình có đủ trai - gái, kinh tế khá giả, không có đại tang… Vì thế lễ hội được gìn giữ rất tốt".

Cụ Đặng Xuân Khâm (90 tuổi, ở làng Phú Điền), người thường tổ chức cho các đội tế lễ nam và nữ thực hiện các bài tế, nghi thức trong tế lễ, chia sẻ: "Lễ hội đã gắn liền với sự tồn tại nhiều đời nay của người dân xã Triệu Lộc, đặc biệt là người dân làng Phú Điền. Thời gian trôi qua, nhiều cái đã thay đổi, bị ảnh hưởng mà mai một đi, rồi xã hội ngày càng phát triển, người trẻ đi làm ăn xa, ít nhiều ảnh hưởng đến việc giữ gìn lễ hội. Thế hệ trẻ ngày nay dần dần ít người quan tâm và hiểu rõ về lịch sử Bà Triệu cũng như lễ hội đền Bà Triệu, nên mong chính quyền địa phương và ngành văn hóa có kế hoạch lâu dài, tạo dựng nguồn nhân lực để đảm bảo rằng những nét tốt đẹp của lễ hội được gìn giữ nguyên vẹn, ngày càng gắn liền với đời sống nhân dân địa phương".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.