Mo Mường trên đường ghi danh di sản phi vật thể UNESCO

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/07/2022 07:30 GMT+7

Những câu chuyện về thế giới , về vũ trụ được kể bằng nghệ thuật trong nghi lễ Mo Mường.

Vũ trụ và xã hội thu lại

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng đã cùng lúc nhắc tới cả Đẻ đất đẻ nước lẫn Iliad và Odyssey trong phát biểu của mình về Mo Mường. Ông cho rằng đó đều là những sử thi có giá trị. Ông cũng nói về nghề Mo: “Cho đến hiện nay chẳng ai rõ nghề Mo Mường và nghề Mo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề này đã có từ lâu lắm rồi. Đặc biệt, Mo sử thi Đẻ đất đẻ nước ngày nay được xác định là rất lâu đời, kể về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành dân tộc Mường và các vùng cư trú của họ…”. Hiện, việc xây dựng hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi danh di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đang được thực hiện.

Ông mo Rủm ở Hòa Bình

Tư liệu của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan

Ông Vọng cũng chia sẻ về những bài học đời sống cộng đồng mà Mo Mường chuyển tải. Chuyện Tìm Chu tìm Lội, kéo cây chu đồng làm nhà phản ánh quá trình đấu tranh với thiên nhiên để kiến lập cuộc sống tốt đẹp. Nó cho thấy ý nghĩa của sự đoàn kết, về văn hóa tổ chức và lãnh đạo. Đốt nhà Dịt Dàng phản ánh mối quan hệ giai cấp cũng như sự vong ơn bội nghĩa dẫn đến thất bại. Vườn hoa núi Cối là câu chuyện tình yêu của thời kỳ chế độ phong kiến đã bước vào giai đoạn suy vong.

PGS-TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa, cho biết Mo Mường là nghi lễ tang ma của người Mường. Tuy không phải là một hình thức nghệ thuật nhưng cách thực hiện các lễ thức lại tập hợp nhiều yếu tố của các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian như sân khấu, múa, âm nhạc, diễn xướng. Trong đó, diễn xướng là chủ đạo, xuyên suốt thời gian tiến trình một lễ tang. “Xét từ góc nhìn nghệ thuật, tính trình diễn tổng hợp của các lễ thức trong Mo Mường chỉ có thể tiến hành một cách trật tự, trơn tru được khi có một nhà tổng đạo diễn. Đó là ông Mo Mường”, ông Sơn phân tích.

Cuốn sách về Mo Mường của PGS-TS Kiều Trung Sơn

TL

Cũng theo TS Kiều Trung Sơn, mỗi lễ thức trong tang lễ Mường, nhìn từ góc độ nghệ thuật sân khấu, là một hoạt cảnh. Thêm vào đó, xét từ khía cạnh âm nhạc, trong nghi lễ tang ma Mường có 2 bộ phận là ban nhạc đám và bộ trống chiêng. Hai bộ phận âm nhạc này chơi theo kiểu cùng chơi mà không phải là hòa tấu. Yếu tố âm nhạc theo suốt quá trình nghi lễ, nhưng không phải liên tục mà tùy từng thời điểm của các lễ thức và theo điều hành của ông Mo Mường.

Di sản phi vật thể cần được bảo vệ

Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hòa Bình, cho biết ngày nay người Mường vẫn tổ chức Mo cho người đã khuất. Tuy nhiên, số lượng các roóng Mo được cắt giảm tối thiểu, chỉ Mo những roóng cơ bản, rất cần thiết trong thực hiện các nghi lễ. Giải thích về nội dung Mo không đầy đủ, các ông Mo cho biết thông thường nội dung Mo nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tùy từng điều kiện, hoàn cảnh của đám tang.

Nghệ nhân Bùi Huy Vọng lại cho biết, sau năm 1945, ở Hòa Bình, trong quá trình thực hiện chính sách xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, tang lễ Mường không tổ chức nhiều ngày như trước đây nên nhiều lễ thức Mo được lược bỏ. Thêm vào đó, theo ông Vọng, việc tiến hành mỗi lễ thức cũng được rút ngắn và giản tiện. Ông Mo thường chọn phần Mo được cho là quan trọng (Dâng ăn) để Mo trước, các phần thứ yếu Mo sau chứ không thể tiến hành tuần tự như trước đây. “Sự thiếu vắng một số lễ thức như Mo kể chuyện và các điệu múa kiếm, múa quạt ma, múa cờ trong quá trình diễn xướng Mo không chỉ làm mai một dần những triết lý sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh mà còn làm nghèo đi vốn văn học và vũ đạo dân gian Mường”, ông Vọng nêu vấn đề.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, cho biết Mo Mường là một trong 3 hình thức sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người Mường. So trong 3 hình thức ấy, Mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, không thể thực hành được, đó là chức năng thực hành nghi lễ tang ma. “Nội dung nghi lễ tang ma cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới ba mường: mường Trời, mường Đất và mường Nước”, ông Loan cho biết.

Theo ông Loan, với tầm quan trọng như thế của Mo tang lễ, chúng ta phải tìm cách phục hưng Mo tang lễ, làm cho Mo tang lễ tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường. Theo ông Loan, có giữ được Mo tang lễ mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường. “Và cũng có làm được như vậy chúng ta mới có cơ sở chứng minh được giá trị văn học, tập quán xã hội và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ Hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, ông Loan cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.