|
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hội nghị lần này bàn một số nội dung quan trọng, gồm: Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Xem xét, quyết định một số vấn đề về chính sách xã hội, tiền lương giai đoạn 2012 - 2020; và một số vấn đề quan trọng khác.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Tổng bí thư nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực phấn đấu to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đưa đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bước đầu kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành nhiều mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và độc lập, chủ quyền quốc gia.
Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng bí thư nhấn mạnh: Đây là công việc rất hệ trọng, vì Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tảng, thể hiện bản chất của nhà nước và chế độ; là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền quốc gia. Tổng bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận kỹ từng đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể, đặc biệt là những vấn đề còn có ý kiến khác như nêu trong Tờ trình.
Về chính sách, pháp luật đất đai, Tổng bí thư nhấn mạnh: Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về đất đai lần này là một yêu cầu bức thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, hết sức phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Khi đánh giá tình hình và nguyên nhân và đề xuất định hướng đổi mới; hoàn thiện luật pháp, chính sách đất đai, cần nắm vững các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong nghị quyết và pháp luật về đất đai.
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng bí thư nhấn mạnh: Đây là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân và gắn trực tiếp với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay". Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã tiến hành nhiều biện pháp liên tục, nhưng đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Tổng bí thư chỉ rõ: Cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhận dạng cho đúng những biểu hiện nổi bật của tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực chủ yếu như: đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động tín dụng, ngân hàng, công tác tổ chức, cán bộ... Cần phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, khẳng định những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng, lãng phí và dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó; trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này.
Về một số chính sách xã hội và tiền lương giai đoạn 2012 - 2020, Tổng bí thư nhấn mạnh, sẽ có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội hết sức to lớn nếu như tại hội nghị lần này, Trung ương bàn và ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số chính sách xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2020, mà trọng tâm là chính sách ưu đãi đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội, với những nội dung chủ yếu là: bảo đảm việc làm, thu nhập, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở, trợ giúp xã hội và bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.
Đối với Đề án một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, Tổng bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề cấp bách cần và có thể điều chỉnh ngay trong năm 2012, 2013, như: điều chỉnh lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa X; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương và thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và bảo hiểm xã hội; xem xét trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội...
Tổng bí thư nhấn mạnh: Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này đều là những vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tiếp theo và về lâu dài; đồng thời đề nghị hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận kỹ, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 15.5.
Sửa đổi Hiến pháp là công việc đặc biệt hệ trọng (Trích phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 5, BCH T.Ư Đảng khóa XI)Sáng 7.5, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc, gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận và kêu gọi hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thảo luận kỹ lưỡng, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Báo Thanh Niên trân trọng trích đăng như sau: “...Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt hệ trọng. Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (tháng 7.2011) đã xác định những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương châm, phương pháp tiến hành. Tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Đảng đoàn Quốc hội trình, làm cơ sở cho việc tiếp tục tu chỉnh các báo cáo và tiến hành xây dựng bản dự thảo Hiến pháp (bổ sung, sửa đổi) ở các bước tiếp sau. Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và tính chất nhạy cảm của vấn đề, việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải bám sát những tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 2, có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử; bám sát vào thực tế thi hành các quy định của Hiến pháp và các yêu cầu của tình hình mới. Tập trung đánh giá, khẳng định những kết quả nổi bật của Hiến pháp năm 1992 với vai trò là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới. Chỉ rõ những kết quả, mặt tích cực đã đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân. Chỉ ra những nội dung của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp cần được bổ sung, sửa đổi; những nội dung quy định đúng, nhưng do thực hiện chưa tốt cần chấn chỉnh trong khâu tổ chức thực hiện. Các đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tế 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã chín muồi, có đủ cơ sở và được sự thống nhất cao. Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Đó là: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tổ chức nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp; các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội lập ra, có trách nhiệm báo cáo công tác và chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội. Nhà nước ta không tam quyền phân lập. |
TTXVN
>> Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu phải càng cao
>> Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Chỉnh đốn Đảng cần bắt đầu từ những người lãnh đạo
>> Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri TP.HCM: Việt Nam giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia
>> Sẵn sàng cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI
>> Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: Đại biểu trẻ đến với đại hội
Bình luận (0)