Khai mạc Hội nghị T.Ư 10: Thảo luận những vấn đề chiến lược

19/09/2024 05:44 GMT+7

Ngày 18.9, Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết hội nghị T.Ư lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến, sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.

Khai mạc Hội nghị T.Ư 10: Thảo luận những vấn đề chiến lược- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường dự khai mạc hội nghị

ẢNH: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu dành thời gian nghiên cứu để có những ý kiến thật xác đáng, phản ánh đúng thực tiễn của bộ, ngành, địa phương mình; tập trung đóng góp những vấn đề cụ thể và những vấn đề có tính khái quát, nhất là những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được đề cập trong dự thảo các văn kiện nhưng cần phải đánh giá tổng kết các nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương chính sách đổi mới có tính chiến lược đột phá, khả thi cao.

Theo thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng, trong buổi sáng, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại hội trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp. T.Ư dành một phút tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử nạn, hy sinh và quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Bộ Chính trị báo cáo về chương trình Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Sau phiên khai mạc, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở VN.

Buổi chiều, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Cùng đó là Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; chủ trương Đề án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Buổi tối, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV; Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng.

Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Ngày 18.9, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ GTVT báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.

Theo Bộ Chính trị mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Đồng thời, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với đó bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics.

Tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành T.Ư Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.