Trình Hội nghị T.Ư 10 phương hướng phát triển KT-XH 2026 - 2030

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/09/2024 06:37 GMT+7

Bộ Chính trị đề nghị khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 để trình Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII.

Ngày 6.9, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030. Sau khi nghe đại diện Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng trình bày tờ trình dự thảo báo cáo, Bộ Chính trị tập trung thảo luận và cơ bản thống nhất về những chủ trương, quan điểm lớn, quan trọng trong dự thảo báo cáo.

Trình Hội nghị T.Ư 10 phương hướng phát triển KT-XH 2026 - 2030- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường dự phiên họp của Bộ Chính trị ngày 6.9

Ảnh: TTXVN

Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý việc thực hiện chiến lược diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo. Nước ta bị tác động sâu sắc bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài, nhất là đại dịch Covid-19, xung đột quân sự tại các khu vực... Trong tình hình đó, chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nước ta được xếp vào nhóm nước công nghiệp mới nổi, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Chỉ số phát triển con người được cải thiện, tạo nền tảng cho phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu báo cáo cần làm rõ hơn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo. Cùng đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường. Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bộ Chính trị đề nghị Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 để trình Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII tới đây.

Kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng tại Bắc Giang, Hòa Bình, TP.HCM

Cùng ngày, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong một số dự án đầu tư do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của tổ chức Đảng và các đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước đó, tại kỳ họp 46 (từ ngày 28 - 29.8), Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 do các vi phạm nêu trên. Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các ông, bà: Lê Ánh Dương (Chủ tịch UBND tỉnh), Lê Thị Thu Hồng (Chủ tịch HĐND tỉnh), Lê Ô Pích (Phó chủ tịch UBND tỉnh), Hoàng Văn Thanh (Chủ tịch UBND H.Yên Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh). Đồng thời, kỷ luật khiển trách Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đảng đoàn HĐND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các ông: Lại Thanh Sơn (Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh), Trịnh Hữu Thắng (Giám đốc Sở KH-ĐT), Bùi Thế Sơn (Giám đốc Sở GTVT), Trần Xuân Đông (Phó giám đốc Sở GTVT, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh), Ngụy Kim Phương (Trưởng ban Kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh Bắc Giang).

Với vi phạm của một số đảng viên tại Đảng bộ tỉnh Hòa Bình và Đảng bộ TP.HCM, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá, các ông, bà: Ngô Ngọc Đức, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Thị Hồng, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Lê Duy Minh, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Các vi phạm của ông, bà nêu trên gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị công tác.

Từ đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông, bà: Ngô Ngọc Đức, Nguyễn Thị Hồng, Lê Duy Minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.