Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2015, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp QH sáng qua.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội hôm qua - Ảnh: TTXVN
|
Theo báo cáo, năm 2014, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được hoàn thành tốt. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (là tỷ lệ lao động qua đào tạo). So với số đã báo cáo QH, có 10 chỉ tiêu đạt tốt hơn và bốn chỉ tiêu không thay đổi.
Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỉ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm số người chết giảm xuống dưới 9.000 người. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Cần nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình hình KT-XH những tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,04%, thấp nhất trong nhiều năm qua. GDP quý 1 vừa qua tăng 6,03%, cao nhất trong 5 năm qua; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng mạnh, đạt 8,35%. Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trên 28.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 9,7% về số DN và 13,3% về vốn đăng ký; đồng thời có 6.300 DN hoạt động trở lại.
|
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2015. Phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng là 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Tuy nhiên Chính phủ nhìn nhận việc triển khai các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, DN ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sản xuất kinh doanh của nhiều DN còn khó khăn. Số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% (so với cùng kỳ 2014). Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Một số công trình, dự án quan trọng còn chậm tiến độ.
Bên cạnh đó một số quy định mới liên quan đến người lao động chưa tạo được sự đồng thuận cao, công tác truyền thông chưa tốt, để xảy ra ngừng việc tập thể đông người. Cháy nổ, tai nạn lao động còn xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn... Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội, dẫn đến khiếu kiện đông người.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ “còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông”. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp. Vẫn xảy ra sai sót trong giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử.
Cuối quý 2 hoàn thành các đề án tái cơ cấu
Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày ngay sau đó, UBKT đề xuất Chính phủ cần tập trung hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý 2 năm 2015.
Bên cạnh đó UBKT cũng đề nghị Chính phủ cần kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các mối liên kết giữa các DN trong nước với DN FDI, giữa DN lớn và DN nhỏ và vừa; cải cách toàn diện nền hành chính công, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính... Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính và có chế tài xử lý để giảm chi phí không chính thức.
UBKT cũng đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục tư pháp nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của chủ nợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản. Chủ động xây dựng cẩm nang tuyên truyền và hướng dẫn hỗ trợ các DN trong quá trình hội nhập, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN tham gia ký kết... Đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các địa bàn chiến lược như Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ và vùng biển đảo trong mọi tình huống.
Nhân dân bất bình việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng công trình ở Biển Đông
Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại báo cáo tổng hợp từ 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Theo ông Nhân, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Liên quan đến một số chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, cử tri cũng mong muốn Chính phủ, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Nhà nước VN tiếp tục hoàn thiện các quy định về thiết kế tàu, điều kiện, thủ tục về mức vay, thời hạn vay, lãi suất và hình thức cho vay phù hợp hơn với thực tế để ngư dân hiện đại hóa nhanh đội tàu.
Cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường Chiều qua, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Hình sự (BLHS, sửa đổi). Theo dự thảo, BLHS (sửa đổi) sẽ có 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành). Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trong nhóm các tội phạm về môi trường (chương 19), BLHS (sửa đổi) lần này sẽ cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; quy định là tội phạm đối với 2 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước. Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo BLHS sửa đổi là lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân. Tuy nhiên, cũng chỉ hạn chế với một số tội danh như gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; đưa chất thải vào lãnh thổ VN; hủy hoại nguồn lợi thủy sản... Cũng trong chiều cùng ngày, QH đã nghe các báo cáo dự thảo luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và các báo cáo thẩm tra của các ủy ban QH về các dự án luật này. Hà Nguyễn |
Bình luận (0)