Khai phá và làm giàu thêm nhạc thiếu nhi

Tuấn Duy
Tuấn Duy
17/08/2024 06:33 GMT+7

Tại hội thảo "Âm nhạc thiếu nhi ở TP.HCM" do Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức hôm qua 16.8, các nhạc sĩ, những người làm công tác giáo dục cũng như các cấp quản lý đã đưa ra giải pháp để phát triển hơn nữa loại hình âm nhạc này.

"Khu vườn" hoang vu

Tầm quan trọng của nhạc thiếu nhi được nhấn mạnh tại hội thảo. Không chỉ quan trọng với trẻ em, nhiều diễn giả đồng ý đây chính là yếu tố góp phần rất lớn vào hiệu quả giáo dục ở nhà trường, gia đình cũng như xã hội. Vì vậy, việc phát triển và nâng cao chất lượng nhạc thiếu nhi là việc làm mang tính chiến lược, tối quan trọng.

Khai phá và làm giàu thêm nhạc thiếu nhi- Ảnh 1.

Nhiều năm qua, lĩnh vực sáng tác và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi hầu như bị bỏ quên

Ảnh: Quỳnh Trân

Tuy vậy, để hiện thực hóa những điều nói trên còn nhiều thách thức. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, người có hơn 300 ca khúc dành cho thiếu nhi, nhận định: "Trong nhiều năm qua, lĩnh vực sáng tác lẫn tổ chức biểu diễn, hoạt động và xây dựng, phát triển các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi hầu như bị bỏ quên, như một "vườn hoang". Những chương trình tốt, đạt yêu cầu về chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung giáo dục, tư tưởng… ngày càng ít". Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng hạn "khối tài sản" ca khúc thiếu nhi trong "kho nhạc Việt" bị giới hạn dần, khi quanh đi quẩn lại chỉ có những sáng tác tương đối nổi bật cách đây hơn chục năm, trong khi với sự phát triển của công nghệ, các em nhỏ lại đang tiếp cận với nhiều sáng tác không phù hợp với độ tuổi của mình.

Lý do cho điều nói trên không quá khó hiểu, hiện nay vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ các nhạc sĩ tâm huyết với nghề. Dẫn chứng cụ thể, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết để phổ biến và giới thiệu hơn 300 bài hát thiếu nhi trong 10 năm qua thì bản thân anh đã bỏ ra hơn 2 tỉ đồng gồm chi phí hòa âm, thu âm, quay MV, dựng hình, truyền thông..., bởi đặc thù riêng mà nhạc thiếu nhi cần nhiều phương thức quảng bá hơn các loại nhạc khác. Đây là số tiền lớn với các nghệ sĩ hoạt động độc lập và càng khó khăn hơn khi nguồn thu lại không đáng kể. Vì vậy, "khu vườn" nói trên ngày càng hoang vu, vắng bóng sáng tạo.

Dù vậy, anh cũng đánh giá Hội Âm nhạc TP.HCM nói riêng và các hội âm nhạc nói chung những năm qua đã có nhiều cuộc thi, sự kiện... góp phần bổ sung vào "kho ca khúc" dành cho thiếu nhi. Đây có thể xem là điểm tích cực, nhưng bởi thực tế không có sân chơi, không có sân khấu trình diễn, không có các giải thưởng tôn vinh... nên chúng vẫn đa phần nằm xếp xó, không ai để tâm phát triển vì chi phí đầu tư không hề nhỏ. Do đó, điểm yếu nói trên đang rất cần những giải pháp mang tính căn cơ, hướng đến phát triển một cách hệ thống và toàn diện.

Cần những giải pháp kịp thời

Về mặt chuyên môn, theo nhạc sĩ Đinh Hoàng Vũ, để nhạc thiếu nhi có sức hút và hấp dẫn thì nhạc sĩ cần phải thấu hiểu cũng như dựa trên đặc điểm tâm lý lứa tuổi để sáng tác, từ đó "đánh trúng trọng tâm" khiến cho ca khúc trở nên phù hợp.

Khai phá và làm giàu thêm nhạc thiếu nhi- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh nhận định phát triển âm nhạc thiếu nhi nên là vấn đề mang tính toàn dân

Ảnh: T.D

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đề xuất phải có biện pháp tăng thêm lực lượng nhân sự để tham khảo, tư vấn và khai thác hợp lý kho nhạc thiếu nhi được sáng tác mới hằng năm. Nhiều diễn giả cho rằng cần có thêm các giải thưởng tôn vinh để khuyến khích những người sáng tác gắn bó với đề tài này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đề xuất tăng nguồn vốn đầu tư trong việc sáng tác cũng như sản xuất âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh đó, các cuộc vận động sáng tác phải phong phú hơn về mặt nội dung để ca khúc đa dạng, gần gũi mà không giáo điều, sáo rỗng. Cần nhiều hơn nữa những chương trình phổ biến các ca khúc thiếu nhi mới tại các trung tâm văn hóa hay trường học để nối dài sức sống của các tác phẩm. Với bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay, các chương trình thiếu nhi được sản xuất và ghi hình, phát trên các đài phát thanh, truyền hình, nền tảng nhạc số... cũng cần được quan tâm hơn và nên được coi là yếu tố mang tính chiến lược.

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng đưa ra nhiều dẫn chứng về việc giảng dạy nhạc cụ truyền thống và nhiều nhóm nhạc hoạt động sôi động trong các trường học tại TP.HCM, từ đó tiếp lửa cho thế hệ mới yêu thích yếu tố dân gian. Điều này phần nào đó cho thấy cần có thêm các tác phẩm thiên về khí nhạc, phục vụ cho việc trình diễn để tăng cảm thụ gắn với nhạc cụ... thay vì những bài quen thuộc, nổi tiếng, tuy không phù hợp nhưng vì không lời vẫn được chấp nhận.

Thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, nhận định phát triển âm nhạc thiếu nhi nên là vấn đề mang tính toàn dân và cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự chung sức của đa dạng đối tượng khán giả. Ông đề xuất các đài phát thanh, truyền hình, nhà thiếu nhi... cũng như môi trường giáo dục cần có những chương trình định kỳ, phối hợp nhịp nhàng với Hội Âm nhạc - nơi có nguồn tác phẩm mới thường xuyên để kết hợp quảng bá. Các cơ quan quản lý cũng cần có các cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể mang tính dài hơi, từ đó phát huy thêm nữa tiềm lực của âm nhạc thiếu nhi trong tương lai gần. 

Các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật cần đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sáng tác âm nhạc thiếu nhi, bao gồm việc cấp ngân sách, tạo cơ chế ưu đãi, các chương trình tài trợ. Cần tăng cường mở rộng khai thác các cơ sở, thiết chế văn hóa trở lại đúng chức năng, nhiệm vụ, phục vụ nghệ thuật thiếu nhi như trước kia với những phương thức quản lý hiệu quả hợp thời đại. Việc lập kế hoạch phát triển âm nhạc thiếu nhi trong ngắn hạn và dài hạn sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Tiến sĩ - Đạo diễn Phạm Ngọc Hiền
(Trưởng ban Lý luận, phê bình Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM)

Để âm nhạc thiếu nhi phát triển tốt, cần có định hướng, từ việc hoạch định chính sách, đến sáng tác, phổ biến, biểu diễn và truyền thông... Đây là trách nhiệm chung, cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.