Kể từ năm 1983, khi cô bé 15 tuổi Emanuela Orlandi biến mất trên đường về nhà từ một lớp học nhạc, các nhà điều tra đã phải vật lộn với câu hỏi về vụ mất tích bí ẩn này.
Nhiều lý luận khác nhau đã liên hệ vụ bắt cóc với một mưu đồ liên quan đến mật vụ Ý, các tổ chức tội phạm và thậm chí âm mưu ám sát Giáo hoàng John Paul II.
Theo Reuters, Enrico "Renatino" De Pedis, thủ lĩnh khét tiếng của băng Magliana hoành hành tại Rome trong thập niên 1980, đã được liên hệ đến vụ mất tích của Orlandi, con gái một nhân viên Tòa thánh Vatican.
Các chuyên gia giám định pháp y, luật sư và gia đình Orlandi đã chứng kiến vụ khai quật hôm 14.5. Các luật sư nói hài cốt được tìm thấy là của một người đàn ông phù hợp với tướng mạo của De Pedis.
Trong một tình tiết gay cấn không kém một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Dan Brown, các nhà điều tra đã tìm thấy những khúc xương khác gần hầm mộ ở giáo đường Sant' Apollinare, theo luật sư Lorenzo Radogna.
Ông này nhận xét chúng nhiều khả năng là xương cũ, vì nhà thờ từng được sử dụng làm nơi chôn cất trong nhiều thế kỷ.
|
Cảnh sát và các chuyên gia pháp y sẽ kiểm tra hầm mộ và khám nghiệm hài cốt cùng quan tài của De Pedis cũng như các khúc xương khác nhằm tìm xem liệu chúng có thể giúp soi rọi ánh sáng vào vụ mất tích bí ẩn của Orlandi hay không.
Vào năm 2005, một kẻ nặc danh đã gọi điện thoại đến một chương trình chuyền hình nói rằng bí mật trong vụ bắt cóc Orlandi đã được chôn cùng với De Pedis, theo Reuters.
Một người phụ nữ từng là người tình của trùm mafia nói trên cũng khẳng định hắn ta dính líu đến vụ mất tích của Orlandi.
Kể từ đó, gia đình Orlandi đã xúc tiến các thủ tục pháp lý nhằm mở cửa hầm mộ của De Pedis với hy vọng tìm thấy manh mối.
Toàn bộ vụ việc khiến Vatican lúng túng đến nỗi vào tháng trước, người phát ngôn của Tòa thánh đã đưa ra một tuyên bố bác bỏ cáo buộc của gia đình Orlandi rằng họ không hợp tác đầy đủ với các thám tử Ý điều tra vụ mất tích.
Theo Reuters, trong thời gian ngồi tù, De Pedis từng kết bạn với linh mục tuyên úy trong nhà tù, người tình cờ cũng là cha sở của nhà thờ Sant' Apollinare.
Khi De Pedis bị kẻ thù bắn hạ vào năm 1990, gia đình hắn đã xin được chôn trong hầm mộ của nhà thờ vì lo sợ thi thể hắn sẽ bị các băng nhóm đối địch làm nhục.
Ban đầu, các chức sắc giáo hội từ chối, song đã đổi ý sau khi gia đình trùm mafia đóng góp 1 tỉ lire, số tiền tương đương khoảng 500.000 euro hiện nay, theo truyền thông Ý.
Vụ mất tích của Orlandi cũng từng được liên hệ đến âm mưu của những kẻ nặc danh nhằm đòi tự do cho Mehmet Ali Agca, tay súng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn Giáo hoàng John Paul II vào năm 1981.
Một giả thuyết khác nói rằng Orlandi bị bắt cóc theo lệnh của Tổng giám mục người Mỹ Paul C. Marcinkus, người từng là chủ tịch Ngân hàng Vatican và có liên hệ đến một vụ bê bối ngân hàng lớn ở Ý vào thập niên 1980, theo tờ New York Times. Ông Marcinkus đã qua đời năm 2006.
Người hâm mộ nhà văn Dan Brown có lẽ sẽ cảm thấy thích thú với chi tiết rằng nhà thờ nơi hầm mộ được khai quật nằm sát một trường đại học được điều hành bởi Opus Dei, một tổ chức Công giáo bảo thủ đóng vai trò nổi trội trong cuốn tiểu thuyết ăn khách Mật mã Da Vinci.
Chưa hết, cả nhà thờ và trường đại học nằm đối diện với quảng trường Piazza Navona, nơi một tên sát thủ đã cố gắng dìm chết một hồng y trong cuốn tiểu thuyết khác của Dan Brown - Thiên thần và Ác quỷ.
Sơn Duân
>> Giáo hoàng Benedict XVI chỉ trích lệnh cấm vận Cuba
>> Giáo hoàng Benedict XVI thăm Cuba
>> Anonymous "hạ gục" website tòa thánh Vatican
>> Rò rỉ thông tin chấn động Vatican
>> Giáo hoàng John Paul II được phong Chân phước
>> Kẻ bắn giáo hoàng sẽ là triệu phú
>> Người ám sát hụt Giáo hoàng ra tù
>> "The Lost Symbol" ra mắt bản tiếng Việt
Bình luận (0)