Đây là hai hoạt động của Dự án quản lý khai thác cát bền vững được thực hiện tại 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL.
Một năm thêm 147 điểm sạt lở
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết tình trạng sạt lở bờ sông bờ biển ở ĐBSCL đã và đang diễn ra khốc liệt. “Hằng năm sạt lở đang khiến chúng ta mất đi rất nhiều hạ tầng, đường sá, nhà cửa, đất đai của người dân. Sạt lở là mối đe dọa thường trực đối với hàng ngàn hộ dân ĐBSCL, uy hiếp sản xuất, sinh kế người dân”, ông Tiến nói. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 751 khu vực sạt lở với tổng chiều dài lên đến 976 km, tăng thêm 147 khu vực sạt lở so với năm 2020.
Chỉ tính 5 tỉnh ven sông, ven biển là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau hiện có gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.
Nhu cầu về cát cho xây dựng ở ĐBSCL hiện rất lớn, trong khi nguồn cát bồi đắp từ sông Mê Kông ngày một ít đi |
Đình Tuyển |
Theo ông Tiến có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở nhưng nguyên nhân nan giải nhất là tình trạng khai thác cát thiếu bền vững, đặc biệt là khai thác cát trái phép. Cán cân cung - cầu cát quá mất cân đối đã dẫn đến tình trạng khai thác cát lậu, khai thác cát trái phép xảy ra khắp ĐBSCL; lợi ích rơi vào các nhóm lợi ích.
“Nếu không có những giải pháp đồng bộ trong quản lý khai thác cát ngay từ bây giờ thì trong tương lai trước sự tác động ngày càng gia tăng của các đập thủy điện, thiếu hụt cát sẽ càng trầm trọng và sạt lở sẽ còn dữ dội hơn”, ông Tiến nói.
Ở một góc khác, chuyên gia thủy lợi Đoàn Văn Bình, Trường ĐH Việt - Đức (TP.HCM), cho biết riêng về cát đáy sông, hằng năm từ Campuchia chảy về ĐBSCL chỉ còn khoảng 5,4 triệu tấn, trong khi số liệu khảo sát của ông cho thấy lượng cát đang khai thác tại khu vực trên có thể lên tới 67 triệu tấn/năm. Có nghĩa là lượng cát từ sông Mê Kông bù đắp cho ĐBSCL thấp hơn rất nhiều so với lượng cát khai thác.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), thừa nhận : “Nhu cầu cát trong xây dựng cũng giống như cơm gạo trong cuộc sống, bất kỳ việc gì liên quan đến xây dựng đều phải dùng đến cát. Số liệu các địa phương gửi dự báo nhu cầu sử dụng năm 2020 là 600 triệu m3. Thế nhưng, số liệu cấp cho các mỏ lại thấp hơn rất nhiều so với con số nhu cầu tiêu thụ thực tế. Chính sự chênh lệch giữa nhu cầu thực tế và lượng cát được cấp phép đã dẫn đến tình trạng cát tặc lộng hành, quản lý khai thác cát gặp nhiều khó khăn. Tôi đã đi kiểm tra và đã đi làm việc với nhiều tỉnh thành thì ở đâu cũng có, không phải ít mà cực kỳ nhiều”, ông Bắc nói.
Cần xem cát là khoáng sản chiến lược
Theo ông Phạm Văn Bắc, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng dự án ngân hàng cát thì cần sớm xác định là có bao nhiêu cát. Đầu vào của cát ở đâu, còn lại bao nhiêu. Đầu ra là khai thác cát thì cần xác định mức khai thác. Từ đó từng địa phương trong vùng cần đưa và quy hoạch khai thác khoáng sản như thế nào. Đặc biệt là khi kết thúc cần đề xuất để Chính phủ xem xét phê duyệt để đưa ra kế hoạch bảo tồn cát, khai thác cát ĐBSCL bền vững cũng như phát triển vật liệu thay thế cát.
Ông Hoàng Việt, Giám đốc Dự án quản lý cát bền vững (WWF - VN), cho biết mục tiêu của dự án là đóng góp cho việc thay đổi chính sách về quản lý cát tại VN. Dữ liệu từ ngân hàng cát cũng như dự án ổn định hình thái lòng sông sẽ được vận dụng tối đa để đóng góp vào dữ liệu của các cơ quan như Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT phục vụ cho việc quản lý liên quan đến cát.
Ở phạm vi rộng hơn, ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình nước ngọt (WWF châu Á - Thái Bình Dương), đánh giá dự án hướng đến việc lan tỏa đến cả các nước trong lưu vực sông Mê Kông, bởi cát là nguồn tài nguyên chung của các quốc gia. Đó cũng là lý do dự án có sự tham gia của Ủy hội sông Mê Kông để có tiếng nói chung.
“Khi khai thác cát phục vụ cho phát triển thì tất yếu phải đánh đổi bằng môi trường và những thiệt hại từ sạt lở, mất đất, nhà cửa, sinh kế của người dân. Vì vậy, điều quan trọng nhất, là phải có sự đánh giá đúng mức đối với giá trị của cát và nhìn nhận cát là nguồn tài nguyên chiến lược và quản lý chặt chẽ bằng chương trình chiến lược, xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng và lưu vực”, ông Marc Goichot nói.
Hiện tại hành lang pháp lý liên quan quản lý cấp phép, khai thác cát đã gần như hoàn chỉnh nhưng quan trọng là quản lý như thế nào thì 90% trách nhiệm thuộc về địa phương, 10% thuộc quản lý của các cấp quản lý ngành.
Ông Phạm Văn Bắc
Bình luận (0)