Phó chủ tịch Quốc hội:

Khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù để luật Thủ đô đi vào cuộc sống

01/07/2024 10:44 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý, TP.Hà Nội cần nắm bắt tốt cơ hội khi luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội thông qua, khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù. Xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để luật đi vào cuộc sống.

Sáng 1.7, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù để luật Thủ đô đi vào cuộc sống- Ảnh 1.

Quang cảnh kỳ họp sáng 1.7

KHẮC HIẾU

Sẽ chất vấn về trách nhiệm thực thi công vụ

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 nghị quyết. Trong đó, có nhiều nội dung rất quan trọng như: cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù để luật Thủ đô đi vào cuộc sống- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp

KHẮC HIẾU

Theo ông Tuấn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế đặt ra trong quá trình phát triển. Ông Tuấn đề nghị HĐND thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.

Về hoạt động giám sát, ông Tuấn cho biết, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND, Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội theo quy định của luật.

Đặc biệt, Thường trực HĐND thành phố dự kiến 2 nhóm vấn đề, gồm: chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc TP.Hà Nội; chất vấn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn.

Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực, đang được tập trung chỉ đạo, được cử tri phản ánh, qua giám sát và đề xuất của các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố.

"Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết góp phần vào sự thành công của kỳ họp", ông Tuấn nhấn mạnh.

Khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù để luật Thủ đô đi vào cuộc sống- Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp sáng 1.7

KHẮC HIẾU

Khai thác hiệu quả cơ chế đặc thù trong luật Thủ đô sửa đổi

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội, đề nghị HĐND TP.Hà Nội tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nghị quyết của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ và của TP.Hà Nội đã ban hành, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024.

Khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành luật Thủ đô sửa đổi và phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện 2 quy hoạch quan trọng của thủ đô, trình Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền.

Đối với luật Thủ đô sửa đổi, bà Thanh lưu ý, luật này với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP.Hà Nội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.

Theo thống kê, trong luật Thủ đô sửa đổi có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND thành phố. Vì vậy, bà Thanh đề nghị TP.Hà Nội nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.

"Chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực", bà Thanh nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 28.6, dự thảo luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều. Luật Thủ đô đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Theo Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội Trương Việt Dũng, luật Thủ đô sửa đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Hà Nội, khắc phục toàn bộ các quy định "luật khung, luật ống" trước đây. Sau khi luật được thông qua, thành phố sẽ triển khai ngay các nội dung thi hành luật, với dự kiến hơn 80 nội dung giao TP.Hà Nội triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.