Khai thác hiệu quả vỉa hè

13/01/2018 08:00 GMT+7

Cơ chế sử dụng vỉa hè đa chức năng, giao người dân tự quản lý mà TP.HCM quyết định áp dụng ( Thanh Niên ngày 12.1 đã thông tin ) nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía các nhà khoa học.

Theo các chuyên gia, việc giao vỉa hè cần tính toán thu phí, mức phí nên dựa trên hiệu quả kinh doanh, nhưng ưu tiên lớn nhất nên là gửi xe chứ không phải buôn bán.
Sẽ thu phí theo từng tuyến đường
Tháng 6.2017, Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND TP Đề án thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động, dịch vụ khác. Theo sở này, hiện trên địa bàn TP có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí. Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 73 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.
Hiện nay, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP là thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng, với mức thu 12.000 đồng/m2/tháng. Sở GTVT cho rằng mức thu này áp dụng từ năm 1990 là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của TP cũng như chế độ thu, nộp chưa thống nhất giữa các quận, huyện.
Vì thế, dự thảo đề án chia 24 quận - huyện trên địa bàn thành 5 khu vực, để làm cơ sở tính mức thu phí, với mức thu phí sau khi tính toán thấp nhất từ 20.000 đồng/m2/tháng tại các khu vực Q.7, Q.Thủ Đức, Q.Tân Bình... và cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng tại Q.1, Q.10… Mức phí này dựa trên cơ sở giá đất hằng năm do UBND TP.HCM ban hành và hệ số tính giá đất tùy theo khu vực. Đối với các hộ nghèo (được địa phương xác nhận) hoạt động kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, đề xuất giảm 50% mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè.
Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi về mức phí và cách thức thu, UBND TP đã cho phép dời thời hạn thu phí vỉa hè, lòng đường, giao Sở GTVT hoàn thiện và trình lại đề án vào quý 1 năm nay. Đại diện Sở GTVT cho biết sẽ nghiên cứu tăng thu phí vỉa hè, lòng đường theo từng tuyến đường chứ không phân theo quận, huyện như trước đó đề án đã trình bày. Cụ thể, xác định tuyến đường, khu vực thu phí, không thu phí, mức phí cụ thể, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho một số đối tượng để trình TP xem xét.
Ưu tiên hàng đầu cho giao thông
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhấn mạnh việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nên lấy ưu tiên làm thông thoáng vỉa hè, giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, ngoài việc dành không gian cho người đi bộ, cần tận dụng khu vực để xe cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh TP đang thiếu trầm trọng các bãi giữ xe như hiện nay. Kế đến mới là đối tượng buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè.
Như vậy, dựa vào mục đích, phí cho thuê vỉa hè sẽ phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng con đường và diện tích sử dụng. Những con đường nào càng cần thông thoáng để phục vụ giao thông thì phí càng cao và ngược lại. Mức ưu tiên cũng sẽ được dành cho không gian để xe nhiều hơn không gian buôn bán.
Tiếp đến, với đối tượng sử dụng vỉa hè để kinh doanh, mức thu bao nhiêu sẽ dựa trên hiệu quả kinh doanh, khả năng thu nhập của người bán tại từng khu vực.
“Để đưa ra được mức giá hợp lý, Sở GTVT cùng các phường, quận, huyện cần có khảo sát, đánh giá thật kỹ, cân đối khoản tiền thu đảm bảo cung ứng đủ cho công tác quản lý, phục vụ tái đầu tư giao thông nhưng vẫn phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết”, theo TS Võ Kim Cương.
Theo kết quả khảo sát ý kiến các đối tượng sử dụng vỉa hè của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có 48% chủ cửa hàng, 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động đồng ý đăng ký, trả phí sử dụng vỉa hè. Trong đó, 2,6% cửa hàng và 6,5% hàng rong cố định sẵn sàng trả mức phí trên 100.000 đồng/m2/tháng; Mức phí nhỏ hơn 50.000 đồng/m2/tháng (53% cửa hàng và 50% hàng rong cố định chấp thuận) chiếm tỷ lệ cao hơn mức phí từ 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng (44,4% cửa hàng và 43,5% hàng rong cố định).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.